Chảy nước mắt liên tục: Bệnh lý và cách phòng tránh

ANTD.VN - Đôi mắt là bộ phận cực kỳ nhạy cảm của cơ thể con người và thậm chí một vấn đề nhỏ có thể gây ra khó chịu và đau đớn. Chảy nước mắt có thể do dụi mắt liên tục, xúc động hoặc đôi khi là bệnh lý nào đó.

Hội chứng khô mắt 

Hội chứng khô mắt là một bệnh trong đó các mô của mắt bị khô, do nhìn quá lâu màn hình vi tính, ngồi trong phòng điều hòa, bụi bẩn bay vào mắt... Khi điều này xảy ra, sự miễn dịch kích thích mắt sản xuất nước mắt để ngăn chặn sự khô các mô. Điều này có thể khiến mắt bạn liên tục chảy nước mắt. Hội chứng khô mắt thường kèm theo các triệu chứng như kích thích, ngứa, nháy mắt liên tục…

Một số loại thuốc

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dùng một số loại thuốc như thuốc kháng histamin (thuốc dị ứng), thuốc trị mụn, thuốc chống trầm cảm, thuốc Parkinson… có thể gây khô mắt, do đó làm tiết ra nước mắt do phản ứng của hệ miễn dịch. 

Bệnh tự miễn 

Một số bệnh tự miễn cũng có thể gây ra chảy nước mắt. Các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren ảnh hưởng đến tuyến tiết niệu của mắt, khiến mắt khô, gây ra chảy nước mắt tự nhiên, bị viêm và kích ứng.

Tắc tuyến lệ

Đôi mắt có các tuyến lệ tạo ra nước mắt, chất bôi trơn giúp giữ cho đôi mắt ẩm và khỏe mạnh, đồng thời giúp đẩy bụi bẩn ra khỏi mắt. Do ảnh hưởng của môi trường hay lạm dụng mỹ phẩm... khiến các tuyến lệ bị tắc nghẽn, mắt trở nên khô và bị kích ứng. Do phản ứng của hệ thống miễn dịch chống khô, nước mắt sẽ chảy ra ngoài.

Dị ứng 

Các phản ứng dị ứng với một số yếu tố bên ngoài như phấn hoa, bụi, chất gây ô nhiễm, khói bốc cháy, lông thú cưng… có thể gây dị ứng mắt ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể làm cho các mô của mắt bị viêm. Điều này làm cho mắt tạo ra nhiều nước hơn và do đó người ta có thể bị chảy nước mắt liên tục. Dị ứng mắt thường kèm theo các triệu chứng như ngứa, tấy đỏ và kích thích. 

Vấn đề về tuyến giáp

Các vấn đề sức khỏe về tuyến giáp, đặc biệt là bệnh suy giáp sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng sản sinh hormone trong cơ thể. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chảy nước mắt bất thường.

Nhiễm trùng mắt

Khi mắt của bạn bị nhiễm vi khuẩn, chúng có thể gây ra một số triệu chứng bao gồm mẩn đỏ, ngứa ngáy, kích ứng và thậm chí là tiết nước dư thừa từ mắt. Nếu nhiễm trùng không được điều trị, trong thời gian bạn có thể gặp đôi mắt chảy nước dai dẳng.

Phòng tránh

Để tránh bị chảy nước mắt, bạn nên tránh những nguồn ánh sáng chói. Bảo vệ mắt bằng cách tránh bị chói nắng và tác động của tia hồng ngoại, ngay cả khi trời râm mát vẫn cần đeo kính màu. Bạn nên chú ý làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ đôi mắt, đồng thời thay đổi môi trường làm việc mà cụ thể là nơi ít máy lạnh. Nên ăn các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, dầu ô liu..., các thực phẩm chứa nhiều vitamin A như cá, trứng gà, trứng vịt lộn, gan động vật, sữa..., ăn trái cây và thực phẩm có màu vàng hay đỏ như bí ngô, cà rốt, cà chua, gấc, đu đủ...

Một số cách đơn giản bạn có thể làm để dự phòng khô mắt, ngứa mắt và kích ứng mắt bao gồm thường xuyên chớp mắt khi sử dụng máy tính và nghỉ ngơi để tránh mỏi mắt. Tăng độ ẩm ở nơi làm việc nếu mắt bạn bị khô và bị kích ứng. Uống nhiều nước để tránh bị mất nước và duy trì lượng nước mắt cần thiết.