Cháy, nổ khí gas - hiểm họa lơ lửng

(ANTĐ) -9 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn Hà Nội xảy 33 vụ cháy, nổ khí gas, làm 1 người chết, 14 người bị thương. Còn trên địa bàn toàn quốc, từ năm 1993 đến nay đã có hơn 150 vụ nổ khí gas gây chết người. Số người chết và bị thương trong quá trình sử dụng gas ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý, xử lý lại chưa “buộc” được các cơ sở kinh doanh, san chiết gas tuân thủ những quy định pháp luật.

Cháy, nổ khí gas - hiểm họa lơ lửng

Bài 1: 1.001 sự cố

(ANTĐ) -9 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn Hà Nội xảy 33 vụ cháy, nổ khí gas, làm 1 người chết, 14 người bị thương. Còn trên địa bàn toàn quốc, từ năm 1993 đến nay đã có hơn 150 vụ nổ khí gas gây chết người. Số người chết và bị thương trong quá trình sử dụng gas ngày càng gia tăng, trong khi đó, công tác quản lý, xử lý lại chưa “buộc” được các cơ sở kinh doanh, san chiết gas tuân thủ những quy định pháp luật.

Hở khí gas là nguyên nhân gây cháy, nổ tại quán ăn trên đường Nghi Tàm ngày 6-10
Hở khí gas là nguyên nhân gây cháy, nổ tại quán ăn                trên đường Nghi Tàm ngày 6-10

Bom trong nhà!

“99% các vụ cháy, nổ liên quan đến gas trong thời gian qua là cháy, nổ khí chứ không phải nổ bình. Nếu nổ bình gas, hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều, số người chết và bị thương cũng sẽ tăng”, Trung tá Lê Phi Hùng - cán bộ Đội Tham mưu Phòng CS PCCC CATP Hà Nội cho biết. Trừ bình gas du lịch, bình gas mà các gia đình, nhà hàng sử dụng được thiết kế bằng thép, có thể chịu đựng được nhiệt độ và áp suất rất cao. Nguyên nhân chính từ các vụ cháy nổ thời gian qua chủ yếu do rò rỉ khí gas ở bên ngoài bình, từ van, ống dẫn đến thiết bị sử dụng. Theo ghi nhận của Phòng CS PCCC, cháy nổ khí gas xảy ra ở nhà dân, trường học, quán ăn, và các cơ sở sang chiết trái phép.

Tìm hiểu hồ sơ các vụ cháy, nổ khí gas trên địa bàn thành phố thời gian qua, có thể thấy, các vụ cháy nổ thật thiên hình vạn trạng. Đơn cử trường hợp gia đình ông Nguyễn Hữu Mai, trú ở xã Đại Mỗ, Từ Liêm. Hôm ấy, khi gia đình vừa ăn xong cơm tối, con trai ông Mai là cháu Nguyễn Trung Thành, 15 tuổi, mở cửa xuống bếp. Khi cháu Thành vừa bật công tắc điện sau cánh cửa thì một tiếng nổ lớn phát ra, và ngọn lửa bốc lên dữ dội làm bật tung mái bếp. Cháu Thành được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng toàn thân. Vụ cháy được xác định là do khí gas bị rò rỉ trong quá trình đun nấu. Khi gia đình đóng kín cửa bếp, lượng khí gas tụ lại lớn nên lúc cháu Thành bật công tắc điện, vô tình tạo nguồn nhiệt, gây cháy. Một nghiên cứu cho thấy, khí gas khi cháy sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn, từ 1.500 đến 1.700 độ C. Chính vì vậy, bỏng gas thường gây thương tích nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Nếu như vụ cháy nổ tại nhà ông Mai là do sơ ý, thì vụ hỏa hoạn tại cửa hàng kinh doanh gas và bếp gas, 22 đường Yên Hòa, quận Cầu Giấy lại do chính sự chủ quan, bất cẩn của cơ sở này. “Cậy” có chút hiểu biết về gas, người chủ cửa hàng đã chế thiết bị đấu nối từ bình gas thành 2 đường dẫn, một đường để đun bình nước nóng lạnh, một đường để đun nấu ngay trong khu phụ. Hậu quả là khí gas bị rò rỉ, dẫn đến cháy nổ trong lúc đun nấu. Chủ cửa hàng và 2 nhân viên bị bỏng. Một vụ cháy, nổ khí gas đặc biệt nghiêm trọng khác cũng từng xảy ra ở một cửa hàng kinh doanh gas và bếp gas trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng. Tầng 3 của cửa hàng này được trưng dụng để san chiết gas “chui” và nó đã phát nổ do thao tác cẩu thả của nhân viên. Tài sản thiệt hại trên 100 triệu đồng, nhưng đáng chú ý, chủ cửa hàng và một nhân viên bị bỏng nặng.

Lộn xộn kinh doanh gas

Có một nghịch lý đang diễn ra là khi người dân có nhu cầu sử dụng gas, gọi điện thoại sẽ có nhân viên hãng gas mang bình đến tận nhà phục vụ. Nhưng khi xảy ra sự cố, đặt vấn đề “truy” trách nhiệm đối với nơi bán gas thì rất khó. Rất nhiều các vụ cháy, nổ khí gas, lỗi được xác định do nhân viên bán gas không lắp van, vòi theo đúng quy chuẩn, nhưng khi cơ quan chức năng triệu tập chủ cửa hàng đến làm việc, thì hoặc họ chối đây đẩy, hoặc không biết địa chỉ nào để tìm. Thiếu tá Đỗ Anh Quyến - Đội trưởng Đội CS PCCC Thanh Trì cho biết, việc kinh doanh gas trôi nổi không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý, mà còn lúng túng trong xử lý. Cán bộ kiểm tra của Đội Thanh Trì từng gặp không ít tình huống sau khi xảy ra các sự cố về cháy, nổ khí gas, lần tìm theo số điện thoại cửa hàng ghi trên vỏ bình gas nhưng không được vì đó là địa chỉ “ma”.

Một bình gas bị “chế” thêm van để tăng “công năng” sử dụng (nguyên nhân gây ra cháy tại cửa hàng 22 Nguyễn Khang, Cầu Giấy)
Một bình gas bị “chế” thêm van để tăng “công năng” sử dụng (nguyên nhân gây ra cháy tại cửa hàng 22 Nguyễn Khang, Cầu Giấy)

Dân sống ở các khu dân cư tại Hà Nội hiện nay, hầu như không tháng nào không phải “tiếp” nhân viên tiếp thị gas. Họ là người của cửa hàng gas, chính danh có và… lậu cũng có, được cử vào từng nhà dân, gõ cửa phát tờ rơi rồi xin được vào vệ sinh bếp gas miễn phí. Và đó là khoảng thời gian để nhân viên tiếp thị nhanh tay bóc số điện thoại của cửa hàng cung cấp gas dán trên vỏ bình, dán số điện thoại của cửa hàng mình vào. Những lần thay gas sau đó, gia chủ cứ số điện thoại ấy mà gọi. Lại có nhân viên tiếp thị sau khi gạ được chủ nhà cho làm vệ sinh bếp gas, lấn tới tư vấn gia chủ thay dây dẫn gas, van gas với lý do linh kiện đang sử dụng không đảm bảo an toàn, không tiết kiệm năng lượng. Trong trường hợp này, nếu gia đình nào gặp phải nhân viên hãng gas cẩu thả hoặc trình độ thấp, tất yếu khí gas bị rò rỉ, cháy nổ không biết lúc nào. Điển hình là vụ cháy ở một nhà hàng trên đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Nguyên nhân cháy, nổ do nhân viên hãng gas lắp van không khít. Và khi “thủ phạm” được gọi đến ký biên bản, anh ta thú nhận là không biết chữ, mới vào nghề được hơn 1 tuần.

Một trong những tiểu xảo mà các cửa hàng gas lậu thường làm, là ăn bớt gas. Khi nhập gas từ các đại lý chính thức của hãng về, cửa hàng lậu san chiết từ bình to 12kg sang bình gas du lịch, mỗi lần chiết từ 3-5 bình. Lợi nhuận có, nhưng điều này đồng nghĩa với nguy cơ rủi ro cao. Theo quy định, việc san chiết gas phải thực hiện ở những trạm có trang bị bình đo áp suất. Tuy nhiên, việc san chiết gas của tư nhân chỉ thực hiện bằng những dụng cụ tự chế thủ công như thiết bị đấu nối dây dẫn, đặt các bình nhỏ vào khay đá làm khí gas co lại, thay đổi áp suất khiến gas tự động chuyển từ bình to sang bình du lịch. Trong khi đó, bình gas du lịch cấu tạo bằng vỏ nhôm, nếu áp lực tăng quá nó sẽ tự nổ gây cháy. Tìm hiểu thực trạng cháy, nổ khí gas, chúng tôi nhận thấy thực tế: nguy cơ của nó nhiều cơ quan quản lý biết, nhưng biện pháp để “gỡ” nguy cơ ấy nhiều năm rồi vẫn chưa được xây dựng, thực thi.                           

 (Còn nữa)

Hoàng Quân