"Chảy máu chất xám": Đâu chỉ toàn những mối lo!

ANTD.VN - Lâu nay, khái niệm “chảy máu chất xám” thường được mô tả như một mối lo, mối đe dọa với sự phát triển của các nước nghèo, kém phát triển trong cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Thế nhưng, quan điểm này đang được nhận thức lại.

"Chảy máu chất xám": Đâu chỉ toàn những mối lo! ảnh 1Các nhà khoa học quốc tế dự hội thảo trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức theo sáng kiến của giáo sư Trần Thanh Vân

Trên trang blog của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bà Elisabetta Gentile, nhà kinh tế học làm việc tại ADB, cho rằng “chảy máu chất xám” là một giả định vô căn cứ và các quốc gia Đông Nam Á cần xóa bỏ ý tưởng lạc hậu này, thay vào đó nhìn nhận sự di chuyển của lao động có kỹ năng nghề như là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế.

Lâu nay, “chảy máu chất xám” là cụm từ ngụ ý cho việc thất thoát nguồn nhân lực giỏi ra nước ngoài tìm cơ hội sống, làm việc, hưởng thụ tốt hơn. Dưới góc nhìn đó, “chảy máu chất xám” quy việc di cư lao động có kỹ năng thành một trò chơi có tổng bằng 0, trong đó quốc gia giành được nguồn “chất xám” sẽ được lợi và đương nhiên nước bị mất “chất xám” sẽ chịu thiệt. 

Trên thực tế, không riêng gì những nước nghèo mà ngay các nước phát triển cũng lo chảy máu chất xám. Chẳng hạn với Ba Lan, với 1,7 triệu lao động rời đất nước trong 15 năm, Thủ tướng Mateusz Morawiecki này đã miêu tả tình trạng “chảy máu chất xám” này là một “mất mát vô cùng to lớn”. Để đối phó, bắt đầu từ tháng 8 vừa rồi, chính phủ Ba Lan đã xóa bỏ hoàn toàn thuế thu nhập cho khoảng 2 triệu lao động trẻ có thu nhập dưới 22.207 USD/năm (khoảng 515,4 triệu VND/năm). 

Tuy nhiên, theo bà Elisabetta Gentile, nhận thức sự di cư của lao động có kỹ năng nghề làm tổn hại nguồn lực quốc gia là hoàn toàn sai lầm. Trước hết, giấc mơ di cư đã tạo động lực mạnh mẽ để nhiều người đầu tư vào vốn con người, trong khi chỉ tiêu di cư không nhiều. Kết quả là ngay nước bị “chảy máu chất xám” cũng được hưởng lợi từ nguồn nhân lực có học vấn tăng nhanh. 

Đơn cử như với Philippines. Trong giai đoạn 2000-2007, Mỹ mở rộng đáng kể hạn mức visa cho các điều dưỡng viên di cư và gia đình của họ. Kết quả là số lượng điều dưỡng viên tốt nghiệp ở Philippines đã tăng từ 9 nghìn lên tới 70 nghìn người, trong khi không phải tất cả đều có thể di cư tới Mỹ. Kết quả là nguồn điều dưỡng viên có tay nghề tại Philippines tăng lên nhiều.

Thêm vào đó, những người đã di cư không phải là “mất đi”. Khi trở về, họ mang theo những ý tưởng, kỹ năng và nguồn lực tài chính. Ngay cả khi không trở về, họ cũng hình thành những mạng lưới cộng đồng di cư, giúp người trong nước đến với các cơ hội kinh doanh, thương mại và thị trường lao động toàn cầu. Ấn Độ nay đã vượt Mỹ trong xuất khẩu phần mềm chính là nhờ nguồn nhân lực di cư sang Mỹ vào thời bùng nổ công nghệ thông tin hồi thập niên 1990.

Theo con số thống kê không chính thức, 70% số du học sinh Việt Nam muốn làm việc tại nơi mình học sau khi tốt nghiệp. Nhiều bạn trẻ trong nước muốn ra nước ngoài thử sức vì môi trường làm việc tốt hơn, công nghệ hiện đại hơn. Điều này tạo mối lo về “chảy máu chất xám”. Nhưng nếu biết tận dụng lợi thế của sự dịch chuyển kỹ năng như phân tích của bà Elisabetta Gentile cũng như câu chuyện thành công của Ấn Độ, Philippines, thì không phải tất cả chỉ là mối lo.

Thực tế, thành công của nhiều người Việt trên trường quốc tế là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các bạn trẻ Việt Nam tích cực học hỏi, tìm kiếm cơ hội. Trong khi đó,  nhiều trí thức người Việt sống ở nước ngoài thì tích cực đóng góp cho đất nước như Giáo sư Trần Thanh Vân với nỗ lực xây dựng cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam, Giáo sư Ngô Bảo Châu dành tiền giải thưởng toán học danh giá Fields tài trợ cho Tạp chí toán học Pi; Tiến sĩ Lương Minh Thắng khởi xướng tổ chức phi lợi nhuận  VietAI giúp đào tạo thế hệ chuyên gia trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.…

Xóa bỏ các rào cản có thể kìm hãm cơ hội của lao động có kỹ năng nghề di chuyển và làm những công việc mà họ được đào tạo là điều mà bà Elisabetta Gentile mong muốn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nên làm vì những lợi ích mà nó đem lại.