Chạy đua thông tin và cái tâm của người làm báo

ANTD.VN - Dù là một phóng viên trẻ, tuy nhiên, với ăm ắp những sự kiện thời sự diễn ra hàng ngày, không khó để nhớ lại những kỷ niệm đáng nhớ trong gần 10 năm kể từ ngày đầu đặt chân vào “ngôi nhà chung” mang tên An ninh Thủ đô (ANTĐ). Tuy nhiên, đến giờ, kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo của tôi vẫn chính là tác nghiệp trong vụ án Lê Văn Luyện.

PV Báo ANTĐ (ngoài cùng bên phải) tác nghiệp thu thập thông tin từ người dân khi cơ quan công an xác định được Lê Văn Luyện là hung thủ của vụ án

Có lệnh là lên đường

Với đặc thù là một tờ báo của ngành công an, chính vì vậy mảng nội chính được Ban biên tập đặc biệt coi trọng. Những phóng viên làm mảng này như chúng tôi cũng thường xuyên có điều kiện thâm nhập, tham gia vào những chuyên án, vụ án lớn trên địa bàn Thủ đô và cả nước.

Qua mỗi vụ án, sau khi tội phạm bị lật tẩy, bắt giữ, chịu án, bản thân mỗi phóng viên cũng đúc rút cho mình khá nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, nhiệm vụ, để từ đó không ngừng nâng cao chất lượng tác phẩm, đưa thông tin chính xác, nhanh nhất, đa dạng nhất đến bạn đọc. 

Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ vụ thảm án kinh hoàng nhất từ trước tới nay do thủ phạm Lê Văn Luyện gây ra. Cách đây đúng tròn 5 năm, sáng sớm một ngày cuối tháng 8-2011, như thường lệ, tôi lên cơ quan từ khá sớm chuẩn bị cho buổi giao ban hàng ngày. Vừa đặt chiếc máy tính lên bàn làm việc, chuông điện thoại réo vang. Ở đầu dây bên kia là giọng nói của một cộng tác viên ở tỉnh Bắc Giang.

Anh nói ngắn gọn có vụ trọng án cướp hiệu vàng ở một thị trấn trên địa bàn. Chỉ vài câu nói ngắn ngủi như trên, phía đầu dây bên kia dập máy đột ngột. Bằng trực giác của một phóng viên theo dõi mảng nội chính, tôi nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án từ nguồn tin vừa thông báo. Sau khi liên lạc lại, tôi nhận được một số hình ảnh hiện trường của vụ án.

Những dấu vết để lại hiện trường quá kinh khủng, đúng như một phần dự đoán của tôi về hậu quả. Sau khi xử lý nhanh thông tin lên báo điện tử, ngay trong buổi sáng hôm đó, tôi và phóng viên Nguyễn Đức Tuấn, đồng nghiệp cùng Ban Nội chính được Ban biên tập chỉ đạo trực tiếp về phố Sàn, huyện Lục Nam, Bắc Giang để đưa những thông tin mới nhất về vụ án.

Khi đó, Báo ANTĐ là một trong số ít những tờ báo đưa tin nhanh nhất, chính xác về vụ án đến bạn đọc. Sau khi bài báo được đăng tải trên báo điện tử, hàng loạt các báo khác đã dẫn lại nguồn, kèm theo những ý kiến phản hồi của độc giả về vụ án trên.

Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án mạng khiến 3 người chết và 1 nạn nhân bị chém lìa tay, thoát chết vì hung thủ tưởng nạn nhân đã chết, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc, khẩn trương điều tra xác minh, truy bắt đối tượng gây án.

Trong suốt gần 1 tuần, hầu như nhóm PV Nội chính của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đều tập trung ở Bắc Giang. Một quán cà phê nằm sát trụ sở Công an tỉnh Bắc Giang được chúng tôi chọn là điểm tập kết, chuyển tin tức về tòa soạn. Những thông tin mới nhất từ người đứng đầu Công an tỉnh Bắc Giang cũng như Ban chuyên án đều được cánh phóng viên săn đón, cập nhật. 

Nhanh chóng và chính xác

Sau khi vụ án xảy ra khoảng 1 tuần, tôi tiếp tục nhận được thông tin một Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo điều tra khám phá vụ án. Vẫn như mọi lần, tôi và phóng viên Nguyễn Đức Tuấn lại được Ban biên tập phân công trực tiếp về đưa tin. Khi chiếc xe ôtô của chúng tôi đang leo lên đường dẫn cầu Thanh Trì, bỗng nhiên khói từ nóc capo bốc lên.

Thời điểm đó đang rộ lên tình trạng cháy xe ôtô không rõ nguyên nhân và khi chiếc xe gặp sự cố đã khiến chúng tôi không khỏi hoảng hốt. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi kiểm tra, chiếc xe lại tiếp tục khởi hành nhằm hướng Bắc Giang thẳng tiến.

Giữa tiết trời tháng 8 nắng như đổ lửa, chiếc xe bán tải loại nhỏ, nhãn hiệu Suzuki dùng để chở báo không có điều hòa, hai anh em chúng tôi cởi trần, mặc quần đùi ngồi trên xe, mồ hôi túa ra như tắm. Khi đến quán cà phê quen thuộc nằm cạnh trụ sở Công an tỉnh Bắc Giang đã là 13h chiều.

Liên lạc với một đồng nghiệp báo bạn được đi theo tháp tùng đồng chí Thứ trưởng, đồng nghiệp nói cả đoàn đang đi ăn trưa. Chắc mẩm lời nói của đồng nghiệp là đúng, chúng tôi dỡ đồ nghề xuống ghế, gọi hai chiếc bánh mỳ ăn tạm với chai nước Lavie.

Tuy nhiên, vừa đưa bánh mỳ lên miệng chưa kịp cắn miếng nào, một tin nhắn vỏn vẹn mấy dòng “xã Thanh Lâm”... hiện ra trên màn hình điện thoại di động của tôi. Gọi lại thì nguồn tin tắt máy. Linh tính có thể lực lượng công an đã bắt giữ được nghi can, hung thủ gây án, chúng tôi vơ vội 2 chiếc ba lô chạy thẳng ra xe, phi xuống xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang.

 Khi xuống đến CAH Lục Nam, lúc này chúng tôi đã thấy một số đồng nghiệp đang cùng với Thứ trưởng và Ban chuyên án họp ở trụ sở CAH. Trong bối cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chúng tôi không thể tiếp cận gần hơn đoàn công tác cũng như Ban chuyên án. Không trực tiếp có thông tin từ các thành viên của đoàn, Ban chuyên án, chúng tôi quay xe về xã Thanh Lâm.

Lúc này tại nhà của Lê Văn Luyện, cơ quan công an vừa mới thu giữ một số tang vật là vàng được chôn dưới chuồng lợn cạnh nhà. Những bức ảnh và thông tin đầu tiên về hung thủ đã được chúng tôi cập nhật. Chỉ trong nửa giờ sau khi thông tin được đăng tải trên báo điện tử, cả máy điện thoại của tôi và của phóng viên Nguyễn Đức Tuấn liên tục đổ chuông.

Đồng nghiệp ở hầu hết các báo đều gọi xin ảnh và thông tin hoặc dẫn lại nguồn tin từ Báo ANTĐ. Tin điện tử chúng tôi đẩy lên có tới hàng triệu lượt người truy cập. Đến nay, đây vẫn là tin bài có số lượng người xem lớn nhất. Chỉ vài ngày sau, sát thủ Lê Văn Luyện đã bị bắt giữ tại TP Lạng Sơn khi đang tìm cách vượt biên sang Trung Quốc.

Điều đáng nhớ nhất trong suốt quãng thời gian chúng tôi tác nghiệp đưa tin về vụ án và đến sau này khi đưa Lê Văn Luyện ra xét xử ở 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm là Ban biên tập, trực tiếp là đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Bình (khi đó là Phó Tổng biên tập phụ trách Ban Nội chính) đặt ra, đó là đưa tin phải chính xác, nhanh chóng, khách quan, công tâm, không “đào bới” những chuyện đời tư, cuộc sống riêng của các nạn nhân cũng như hung thủ gây án khiến cho bạn đọc hoang mang, hiểu không đúng vấn đề, vụ án.

Đặc biệt, những thông tin phản ánh không được làm cho người dân hoang mang, mà phải hỗ trợ tích cực cho Ban chuyên án trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tố giác tội phạm. Chính nhờ những ý kiến chỉ đạo sát sao này, những thông tin chúng tôi có được đều rất chính xác, để người đọc không bị hỗn loạn trong cả một rừng thông tin trên mạng. 

Nhiều cơ quan báo chí cũng thường dẫn lại những thông tin của Báo ANTĐ, coi như là thông tin chính thống của vụ án, dẫn dắt người đọc đến với thông tin chính xác nhất. Trong khi khá nhiều báo “đào xới” cuộc sống riêng tư những người thân của Lê Văn Luyện để lên án thì Báo ANTĐ  đã không làm việc đó.

Từ khi phát hiện nghi can đến lúc bắt giữ Lê Văn Luyện, tuyệt nhiên trên Báo ANTĐ không có một tin bài nào nói về cuộc sống riêng những người thân của Lê Văn Luyện khi những người này không liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng. Tính nhân văn của Báo ANTĐ được thể hiện rất rõ qua từng bài viết, từng vụ án phóng viên Nội chính theo dõi, đưa tin, đúng như lời đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Bình vẫn nói: “Viết báo phải viết bằng cả cái tâm của người làm báo”.