Chạy đua nước rút vào Nhà Trắng

ANTĐ - Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 được tổ chức (6-11). Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney đang trong hai tuần chạy đua nước rút sau cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng. Họ đang lao vào cuộc vận động ở các tiểu bang trọng điểm để giành giật từng lá phiếu. Hai ứng viên hiện đang so kè nhau quyết liệt.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Obama cũng dẫn điểm ông Romney tại các bang được cả hai bên xác định là “sống còn” như Ohio, Florida và Virginia. Các ứng cử viên của các đảng từng giành được ghế ông chủ Nhà Trắng đã giành chiến thắng tại ít nhất hai trong ba bang này. Ông Obama đã phải tranh thủ ngủ trong chiếc Air Force One ở  hành trình qua 8 bang dài 12.300km trong chỉ 40 giờ!

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 vì thế có vẻ đầy kịch tính. Ở giai đoạn chạy đua nước rút 2 tuần cuối cùng cả 2 bên đều đang tung vào chiến dịch vận động những triệu USD còn lại trong hơn 6 tỷ USD dự tính tốn phí cho toàn bộ cuộc tổng tuyển cử 2012 bầu lại Tổng thống, toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 33/100 ghế Thượng viện và 1/3 ghế Thống đốc bang. 

Bầu cử Mỹ đã được định đoạt? 

Dù hơn một tuần nữa mới đến ngày bầu cử chính thức, song sáng 26-10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tận dụng khoảng thời gian nghỉ trong chiến dịch vận động tranh cử của mình để đến Trung tâm cộng đồng Martin Luther King ở thành phố Chicago, bang Illinois quê nhà để đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Tổng thống mà sang tháng mới chính thức diễn ra. 

Ông Obama đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ trực tiếp đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Hiện nhiều bang của nước Mỹ cho phép cử tri được đi bỏ phiếu trước ngày bầu cử chính thức. Bỏ phiếu sớm từng được dành riêng cho cử tri xa xứ và quân nhân nay áp dụng rông rãi để cử tri thuận lợi  hơn khi đi bầu cử. Mặc dù bỏ phiếu sớm đã bắt đầu ở hầu hết các bang cho phép, các phiếu này sẽ không được kiểm cho đến ngày bầu cử. Tuy nhiên, có thể xác định được người thắng cuộc bằng cách theo dõi các bang chiến địa. Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, đã có 18% số cử tri đăng ký cho biết đã đi bỏ phiếu sớm, trong đó 55% lựa chọn ông Obama, và 40% lựa chọn ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa.

Trong cuộc bầu cử 2008 - khi hàng nghìn lá phiếu sớm bầu Barack Obama giúp ông dẫn đầu cuộc đua ở các bang như Bắc Carolina. 

Với kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy cuộc đua tranh vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng đang trở nên rất sít sao thì khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu sớm là một trong những chiến lược của Tổng thống Obama nhằm tập trung phiếu bầu và có thể tạo ra sự khác biệt tại những bang bầu cử quan trọng. "Tôi đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra năm 2012 - liệu chúng ta có chứng kiến những kiểu đó tiếp diễn, hay là phần nhiều do sự ứng cử của Obama", ông Trey Hood - Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Georgia  nói.  

Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ bỏ phiếu sớm và không chỉ mình ông làm thế - 6,5 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu, gần 2 tuần trước ngày bầu cử. Vì vậy, có thể cuộc bầu cử này đã được định đoạt?  

Dân Mỹ chọn ông Obama hay Mitt Romney?

Tuy nhiên, cơ hội vẫn đang chia đều cho hai ứng cử viên. Những lá phiếu của các cử tri ngày 6-11 tới không đơn giản chọn ra người ngồi vào chiếc ghế Tổng thống, mà còn quyết định "bộ mặt nước Mỹ" trong ít nhất 4 năm tới. Trong phần đua nước rút, đại diện Đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng cố gắng thể hiện mối liên kết giữa chính sách đối ngoại của họ với các vấn đề kinh tế - xã hội. Trên thực tế, theo kinh nghiệm rút ra từ những kỳ bầu cử trước, điều mà người Mỹ quan tâm nhất vẫn là kinh tế - xã hội bởi các cử tri vẫn bị ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế ảm đạm. 

Với Barack Obama, chắc chắn 4 năm nhiệm kỳ mới sẽ là một sự nối dài từ những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ cũ, điển hình là quan điểm sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết những bất ổn khu vực Trung Đông. Nếu tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời gian tới, hướng đi mà ông Obama vạch ra cho Mỹ là cân bằng quốc phòng ở khả năng phòng thủ và tăng cường quan hệ với các đối tác, đồng minh, liên minh quân sự để để đạt được những mục tiêu của mình.

Trong khi đó, những lập luận mà ứng viên Đảng Cộng hòa đưa ra khá đối lập. Liên minh Romney - Ryan mong muốn khôi phục một nước Mỹ cứng rắn đối với các vấn đề quốc tế, giữ vững vai trò lãnh đạo số một của mình. Do đó, vị thế Mỹ chắc chắn phải được thiết lập dựa trên ưu thế vượt trội về quân sự.

Một vấn đề cũng được quan tâm trong buổi tranh luận vừa qua chính là "sự trỗi dậy của Trung Quốc". Với các ứng cử viên, Trung Quốc đều được xem như một đối thủ - nhất là trong lĩnh vực thương mại. Nhưng cả hai đều hiểu rằng mạnh tay đối đầu với "con rồng châu Á" chắc chắn không phải một hành động khôn ngoan. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, những lời lẽ chống Trung Quốc sẽ mang đến cho hai ông Barack Obama và Mitt Romney số phiếu nhất định trong cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ, cũ hay mới, trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ phải đàm phán với Trung Quốc về tỷ giá đồng Nhân dân tệ, về xuất khẩu của Trung Quốc, về chống vi phạm bản quyền. Bởi vì Trung Quốc là chủ sở hữu trái phiếu nợ của Chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới. Hàng xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc cho phép người Mỹ mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ USD.

Thế giới chọn Obama hay Romney? 

Những người quan tâm đến chính trị trên toàn thế giới đang theo dõi từng bước tiến của một cuộc chiến dài, khó khăn giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Theo cuộc khảo sát do BBC tiến hành cuối tuần qua, nếu được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người dân của hầu hết các quốc gia sẽ bầu cho Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama, chứ không phải cho ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Cuộc khảo sát được tiến hành tại 21 quốc gia. Nhìn chung, tại tất cả các quốc gia mà cuộc khảo sát được tiến hành, ông Obama nhận được sự ủng hộ của 50% số người được hỏi, trong khi đó ông M.Romney chỉ có 9% người được hỏi ưa thích. 24% người được hỏi khác cho biết họ không biết sự khác biệt giữa hai ứng cử viên, 16% trả lời là không thể lựa chọn. Quốc gia duy nhất nơi ông M.Romney dẫn trước Barack Obama là Pakistan.

Dù thế nào, người chiến thắng của cuộc bầu cử sẽ có một ảnh hưởng vượt xa những chính sách mà họ đã đề ra. Các giả thuyết khác cho rằng những diễn biến của chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống sẽ định hướng thị trường kinh tế. Một chiến dịch tích cực sẽ khiến nhà đầu tư có tâm lý lạc quan hơn vào tương lai. Tờ US News, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đã căn cứ vào một số các lý thuyết đầu tư tin cậy, có thể kiểm chứng được trong cuộc bầu cử Tổng thống để xác định chắc chắn có một sự liên hệ giữa thị trường chứng khoán và các cuộc bầu cử.

Nhiều nhà phân tích kinh tế cũng đã nhận định kết quả của cuộc đua sẽ lập tức tác động đến thị trường chứng khoán. Một số dự báo cho rằng, giá cổ phiếu trên thị trường sẽ tăng nếu Đảng Dân chủ chiến thắng và ngược lại, giá cổ phiếu sẽ đi xuống nếu tân Tổng thống là người của Đảng Cộng hòa. Các giả thuyết khác cho rằng đó là một mô hình tăng giảm giá trị chứng khoán theo chu kỳ hàng năm dựa trên người chiến thắng của bất kỳ đảng phái nào.