​ Cháy chợ xuất phát từ ý thức kém của người dân

ANTD.VN - “Chợ và trung tâm thương mại (TTTM) là nơi dễ xảy ra cháy nổ nhất. Tại sao vậy? Bởi do bên trong chứa nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt, hàng hóa, nguyên liệu dễ bén lửa và khi hỏa hoạn xảy ra, nguy cơ cháy lan cháy lớn rất cao”. – Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng Phòng kiểm tra hướng dẫn về Phòng cháy thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết.

Cháy chợ, lỗi không của riêng ai

Từ vụ cháy chợ Quang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, nhấn mạnh về nguy cơ dễ cháy chợ, chỉ huy Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, với thực trạng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, song ý thức người dân lại kém nên việc hỏa hoạn là khó tránh khỏi.

Theo phân tích của các chuyên gia cháy, nổ thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, sự tuân thủ an toàn PCCC tại chợ và TTTM là nghiêm ngặt trong mọi lúc, mọi nơi. Bởi nơi đây luôn tập trung đông người, sự quá tải, kèm theo ý thức chưa cao của cá nhân người đi chợ, tiểu thương sẽ khiến cho hỏa hoạn rình rập và cháy bất kỳ lúc nào. Cụ thể, vụ cháy chợ Quang xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, chiều 31-3, mặc dù nguyên nhân đang được cơ quan công an khám nghiệm, điều tra, song ban đầu những vật chứng cho thấy xuất phát cháy từ kiot bán vải vóc và trong tàn dư hiện trường thấy dấu hiệu của việc thắp hương (khi xảy cháy là ngày rằm tháng 2 Âm lịch).

Chợ Quang là loại chợ hạng 3, do xã Thanh Liệt quản lý, các mặt hàng kinh doanh rất đa dạng từ vải vóc, quần áo, chăn ga, gối cho đến đồ ăn, hoa quả... 

“Nếu cả chợ hàng trăm người tuân thủ PCCC mà 1 người ý thức kém thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Chính vì thế mà nhiệm vụ PCCC là của toàn dân chứ không của riêng ai. Mỗi người dân là một người lính cứu hỏa, vì thế khi tập huấn, tuyên truyền phải lấy đây là nhiệm vụ cần thiết để phục vụ chính mình và mua bình chữa cháy là tự cứu mình.

Ý thức được như vậy thì sẽ hạn chế được cháy lan, cháy lớn bởi khi phát hiện cháy, người dân dùng bình chữa cháy dập tắt ngay, chứ đợi lực lượng cứu hỏa xuất phương tiện đến thì lửa đã bùng phát và lúc đó không chỉ thiệt hại lớn mà còn nguy cơ chết người”- Đại tá Trần Văn Vụ nhấn mạnh.

Vụ cháy chợ Quang đã thiêu rụi khoảng 10 kiot và 40 sạp hàng, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Chỉ một sơ ý nhỏ là toàn bộ tài sản thành tro tàn. Hỏa hoạn xảy ra đều không mong muốn trong bất cứ ai, nhưng cung cách sinh hoạt và không  tuân thủ, thậm chí là thờ ơ với an toàn PCCC là rất đáng lên án, càn phải bị xử lý nghiêm. Nhiều người dân cho biết, trong buổi sáng trước khi xảy ra vụ cháy chợ, đa số chủ các kiot đồng loạt thắp hương, đốt vàng mã… Sau đó có nhiều hộ dân kinh doanh chăn, gối, vải vóc đóng cửa đi về cho đến khi xảy ra hỏa hoạn mới biết.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn nỗ lực cứu tài sản trong vụ cháy chợ Quang

Đối với các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội luôn có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn định kỳ và kiểm tra đột xuất các chợ hàng năm. Riêng đối với chợ Quang và các chợ trên địa bàn huyện Thanh Trì, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 đơn vị phụ trách địa bàn đã nhiều lần kiểm tra, xử lý, lập bản cam kết PCCC đối với từng tiểu thương.

“Chợ Quang là chợ hạng 3 do xã Thanh Liệt quản lý, chính vì thế mà công tác tuyên truyền PCCC chữa cháy hết sức quan tâm, thực hiện nghiêm ngặt theo quy định. Nắm được sự an toàn PCCC là cần thiết, đơn vị luôn tổ chức tập huấn chữa cháy, tuyên truyền an toàn PCCC. Trong các buổi tuyên truyền tại chợ, chúng tôi luôn nhấn mạnh việc thắp hương, đốt nến của các tiểu thương. Bởi đây là nguồn lửa trần nguy hiểm nhất, dễ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao” – Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 7 huyện Thanh Trì cho biết.

Từ ý thức của người dân với PCCC kém ,đã dến đến hậu quả khôn lường

Vi phạm luôn tiềm ẩn

Một ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại chợ Quang, sáng 1-4, chúng tôi đi thực tế tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, nhận thấy việc thờ ơ với hỏa hoạn vẫn diễn ra tại các chợ như Nghĩa Tân, chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Gia Lâm (Long Biên), chợ Nhật Tân (Tây Hồ), chợ Phan Kế Bính (Ba Đình)...

Vi phạm từ việc sắp xếp hàng hóa, cho đến bày biện hàng hóa vi phạm lối đi, khoảng cách hàng hóa ngăn cháy lan... Ý thức tiểu thương về an toàn PCCC đã kém, nhưng ý thức người đi chợ còn kém hơn, trong cảnh hỗn loạn vải vóc, quần áo bày bán la liệt, người qua lại hút thuốc lá bốc khói nghi ngút vẫn xảy ra.

Bên trong các kiot bán cá, hàng ăn… các tiểu thương tự ý câu mắc điện tràn lan. Nhiều dây điện cũ kỹ, vỏ bị bong tróc nhưng tiểu thương vẫn “tận dụng” chắp nối, bọc sơ sài bằng bao ni lông. Có trường hợp sử dụng dây điện cắm trực tiếp vào ổ cắm (không lắp phích cắm), tia lửa điện liên tục bén ra xung quanh, rất dễ gây cháy.

Đáng lo ngại hơn, đối với một số ki ốt bán vàng mã tại chợ Gia Lâm, chợ Phan Kế Bính còn có nhiều loại dầu cho đèn thắp ban thờ, trong khi đó nhiều tiểu thương sinh hoạt nấu nướng tại đây, thậm chí có tiểu thương còn đốt hương suốt để quảng cáo rằng có hương thơm. Những điều tưởng như nhỏ nhưng đối với hỏa hoạn thì dù nhỏ hay to đều là nguy cơ xảy cháy. 

10 kiot và 40 sạp hàng tại chợ Quang đã bị thiêu rụi

Tại chợ Đồng Xuân, (Hoàn Kiếm) khi đi thực thế PV thấy bày biện vải vóc bịt tiêu lệnh chữa cháy và hộp bình cứu hỏa. Vi phạm như vậy khi xảy cháy sẽ không kịp lấy bình để dập lửa?PV nhận được câu trả lời rất vô cảm: “Cháy làm sao được mà lúc nào cũng lo cháy”.

Hầu hết các tiểu thương tại một số chợ đi thực tế, rất ít chủ sạp hàng trang bị bình chữa cháy xách tay để phòng khi có sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra thì có thể ứng phó kịp thời. Một số ít trường hợp để bình CO2, nhưng gần như chỉ trang bị cho có, thiết bị chữa cháy đã cũ kỹ, để ở nơi rất khó lấy, bị hàng hóa che lấp. Tại khu vực bán hàng ăn uống, nhiều chủ sạp lắp đặt bếp nấu ngay sát quầy hàng quần áo, tạp hóa, đồ nhựa…

Nói về những vi phạm của mình, một số tiểu thương ở đây biện minh do diện tích sạp chợ hẹp nên tận dụng thêm khoản trống để kinh doanh. “Năm nào tôi cũng trang bị bình chữa cháy nhưng không sử dụng, hết năm lại mua mới, thấy phí. Mà tôi trang bị, vài người trang bị nhưng cả chợ họ không trang bị thì cũng chả làm sao nên kệ thôi”- một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân nói.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng trên 411 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, 380 chợ đã được phân hạng, bao gồm 12 chợ hạng 1, 69 chợ hạng 2, 299 chợ hạng 3. Xác định tiềm ần nguy cơ cháy, nổ cao thời gian qua, Cảnh sát PCCC đã triển khai nhiều giải pháp PCCC đối với chợ, cũng như TTTM bằng các biện pháp như: Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; mở rộng hình thức tuyên tuyền, tập huấn, phổ biến kiến thức đến tiểu thương, người dân… Đến nay, ý thức của tiểu thương, ban quản lý chợ, người dân có nâng lên, tuy nhiên tại các chợ vẫn còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC. 

Lực lượng cứu hỏa khống chế đám cháy sau hơn 1 giờ đồng hồ tại vụ cháy chợ Quang

Vị chỉ huy này cho biết, để công tác PCCC tại các chợ được tốt, hiện Cảnh sát PCCC thành phố đang phối hợp cùng UBND các quận, huyện, sở - ngành tập trung kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các vi phạm, nhất là các TTTM quy mô lớn, chợ đầu mối. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ cương quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện thoát nạn như: tự ý câu mắc điện không đúng kỹ thuật, lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất cao, sử dụng lửa trần trong chợ (đốt vàng mã, nhang đèn, hút thuốc), sắp xếp bố trí hàng hóa trên lối thoát hiểm… Thậm chí sẽ tạm đình chỉ hoạt động nếu vi phạm tái diễn, tồn tại kéo dài.

Ngoài ra, Cảnh sát PCCC thành phố cũng đang phối hợp với cơ quan chủ quản các chợ, TTTM nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ (bảo vệ, tiểu thương, đội PCCC của chợ…) bằng nhiều hoạt động thiết thực.