Châu Phi và con đường tiến tới khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

ANTD.VN - Ngày 30-5-2019 đánh dấu ngày thành lập Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Với AfCFTA, hơn 20 quốc gia châu Phi sẽ tham gia khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, ít nhất là trên giấy tờ. 

Một tháng trước, quốc gia thành viên thứ 22 của Liên minh châu Phi (AU) đã phê chuẩn hiệp định, do đó mở đường cho việc thành lập AfCFTA. Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh AU ở Kigali đã ra quyết định rằng một thỏa thuận như vậy là cần thiết. Quốc gia thứ 22 đó, Cộng hòa Dân chủ Arập Sahrawi, có thể được coi là một điềm tốt cho sự ra đời khu thương mại tự do lớn này. Với chưa đầy 1 triệu cư dân và chỉ mới xuất hiện từ năm 1974, CH Arập Sahrawi có lẽ là cái tên mà hầu như người dân các châu lục khác không hề biết đến, và ngay cả nhiều người châu Phi cũng chưa bao giờ nghe nói. Nhưng đến giờ, đất nước lạ lẫm và non trẻ này, nằm giữa Sahara và Đại Tây Dương, có thể được nhắc đến nhiều hơn vì chữ ký quan trọng của họ đã đánh dấu sự khởi đầu mới mẻ cho sự kiện nền thương mại nội địa châu Phi cuối cùng đã kết nối trong một thị trường chung.

Châu Phi và con đường tiến tới khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới ảnh 1AfCFTA dự kiến sẽ khiến cho châu Phi trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư

Khó khăn và thách thức

Người đứng đầu Hiệp hội doanh nghiệp Đức-châu Phi, ông Christoph Kannengiesser, rất quan tâm theo dõi các tiến triển về thương mại của châu Phi. Ông cho rằng, hầu hết tất cả các quốc gia thành viên AU đã ký vào thỏa thuận và đều bày tỏ rằng thương mại tự do sẽ giúp họ phát triển. Tuy nhiên, người châu Phi không nên vội vã và nên đảm bảo quan hệ thương mại của họ phát triển bền vững. Ông Kannengiesser cũng lưu ý rằng thị trường châu Âu hợp nhất không phải được hình thành chỉ sau một đêm mà cả một quá trình dài, trong khi các hiệp định thương mại tự do khác như NAFTA hay TTIP vẫn còn gây tranh cãi về người thắng - kẻ thua. “Những tranh cãi như vậy có thể kích hoạt xung đột dẫn đến tranh đua bảo vệ lợi ích quốc gia”, ông Kannengiesser nói.

Thực tế, đã có những khu vực thương mại tự do ở châu Phi cho phép gỡ bỏ một phần thuế quan. Đó là Liên minh Douaniere de l'Afrique de l'Ouest, được thành lập năm 1959 và là tiền thân của Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) bao gồm 15 Nhà nước. Một ví dụ khác là Liên minh Hải quan Nam Phi (SACU). Nhưng nếu nhìn vào bản đồ, người ta sẽ nhận ra những khó khăn mà các đối tác thương mại ở đây đang phải đối mặt. Các quốc gia thành viên SACU sẽ tổ chức dòng chảy thương mại giữa các quốc gia phía Tây và Đông Phi rộng lớn như thế nào? Hệ thống đường sắt lạc hậu, đường sá luôn trong tình trạng yếu kém và tắc nghẽn kinh niên. Ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới cũng là một phần của bài toán khó đó. Đơn cử, một chuyến xe từ Cape Town ở Nam Phi đến Thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso phải mất hơn 10 ngày cho quãng đường 8.200km. 

Một điểm đáng lưu ý khác là thương mại nội khối ở châu Phi không đóng vai trò lớn về mặt kinh tế. Trong khi các quốc gia châu Âu xuất khẩu 70% hàng hóa và dịch vụ của họ sang các quốc gia cùng châu lục thì tỷ lệ này ở châu Phi chỉ có 16%.

Tín hiệu đúng lúc

Tuy vậy, lợi ích mà AfCFTA mang lại cho các quốc gia thành viên là điều khó có thể phủ nhận. Trong số này, Nigeria, đất nước đông dân và giàu tài nguyên dầu mỏ không muốn tham gia AfCFTA nhưng khi theo đuổi lợi ích quốc gia riêng và cảm thấy đây sẽ là động lực kinh tế của châu Phi trong dài hạn, họ đã không thể bỏ qua.

Với việc thành lập AfCTFA, chuyên gia Kannegiesser tin rằng, thương mại tự do và thị trường mở là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng của người dân “lục địa đen” trong thế kỷ 21. Trong khi Tổng thống Mỹ hoài nghi về các hiệp định thương mại đa phương và rút khỏi thỏa thuận bất cứ lúc nào có thể thì hiệp định AfCTFA “thể hiện một tín hiệu rất tích cực”.

Việc tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn ở châu Phi - với nhiều nền kinh tế vẫn chưa được đánh thức chắc hẳn không dễ dàng và sẽ mất rất nhiều thời gian. “Nhưng ý chí chính trị để đạt được điều này là đáng chú ý”, ông Kannengiesser nhận định. Giờ thì người châu Phi đã nhận ra rằng họ chỉ có thể đối mặt với những thách thức kinh tế bằng cách hành động cùng nhau.