Chậu nhựa tạo điện gió ở xóm thuyền Hà Nội

ANTĐ - Chỉ với vài thiết bị đơn giản và 4 cái chậu nhựa, các gia đình sống trên thuyền bên bến sông Hồng (Hà Nội) đã có nguồn điện miễn phí phục vụ chiếu sáng.

Tại phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội), hàng chục chiếc thuyền là nơi ăn ở của những người buôn bán gốm sứ neo đậu dưới bãi sông Hồng. Nhiều năm nay họ phải dòng dây lấy điện từ trên bờ để sử dụng với giá cao, từ 4.000 - 5.000 đồng/kWh.

Biết được tình cảnh này, một nhóm các nhà tài trợ đã thiết kế và lắp đặt hệ thống điện gió đơn giản để tận dụng năng lượng gió tự nhiên rất dồi dào trên sông Hồng.

Hệ thống bao gồm cánh quạt hứng gió, cột, mô tơ, ắc qui, bộ điều khiển sạc, nâng áp và 1 bóng đèn led 9W. Do kinh phí hạn chế, cánh hứng gió được tạo thành từ 4 chậu nhựa loại nhỏ, rẻ tiền, trông khá lạ mắt.

Dòng điện được truyền về một bình ắc qui đặt trong thuyền, sau đó đấu nối với 1 bóng đèn 9W thắp sáng được khoảng 4h trong buổi tối. Theo chị Huyền, một người dân sống trên thuyền cho biết thì thời gian đó là quá thoải mái vào buổi tối.

Bóng đèn led 9W không quá sáng nhưng cũng tạm ổn trong buổi tối và giúp giảm chi phí điện cho các hộ gia đình ở đây.

Hệ thống tạo điện đều còn có thêm một tấm pin năng lượng mắt trời. Điện gió hoạt động theo nguyên lý khá đơn giản: gió thổi vào cánh quạt làm quay trục roto, roto tạo ra điện năng đi qua bộ mạch sạc để lưu lại trong bình ắc quy, trước khi được sử dụng cho đèn chiếu sáng.

Chiếc ắc quy điện gió bên cạnh các thiết bị điện bên trong một chiếc thuyền.

Theo chị Võ Thị Xuân Quyên (Thành viên Ban Quản lí Quỹ Sáng kiến Trẻ em và thanh niên với Biến đổi khí hậu, trực tiếp hỗ trợ dự án Điện gió sông Hồng), mô hình đèn năng lượng gió quy mô nhỏ có nhiều ưu điểm như đơn giản trong khâu thi công, giá thành sản xuất thấp và tận dụng tối ưu ở những khu vực gió có cường độ vừa phải như ven sông, đồi núi.

Loại hình điện gió "giá rẻ" này có thể dễ dàng thể áp dụng trong cộng đồng, đặc biệt là dành cho đối tượng có thu nhập thấp.

Hiện tại dự án điện gió này mới chỉ lắp thí điểm ở 10 thuyền ở bến sông Hồng, sau đó sẽ được đánh giá hiệu quả, nếu tốt sẽ triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương khác.