Châu bản triều Nguyễn: Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

ANTĐ - Châu bản triều Nguyễn là những tư liệu vô giá chứng minh vương triều này đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách có hệ thống đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hội thảo khoa học “Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu” diễn ra tại Hà Nội hôm qua, 30-8 đã khẳng định lại điều này.

19 Châu bản được trưng bày tại “Triển lãm Hoàng Sa, 
Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Hà Nội

Nguồn tư liệu chính thống 

Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn tính từ năm đầu triều vua Gia Long (năm 1802) cho đến năm cuối triều vua Bảo Đại (năm 1945) đã được các vua “ngự phê”, “ngự lãm”. Hầu hết là các văn bản chữ Hán, châu bản triều Nguyễn còn được viết bằng chữ Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Đây là nguồn tư liệu có giá trị “kép”, vừa là những văn bản mang tính chính thống, có giá trị cao về pháp lý, vừa phản ánh trung thực, đầy đủ tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, những quan hệ ngoại thương, bang giao với các nước trong khu vực. Là kho tàng sử liệu đặc biệt quý hiếm và duy nhất, nhưng theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, việc nghiên cứu, bảo tồn, khai thác giá trị Châu bản triều Nguyễn vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù có một số chuyên gia tiến hành nghiên cứu sâu về vấn đề này, tuy nhiên chúng ta chưa có được phương pháp tiếp cận một cách khoa học và hệ thống. Thực tế hiểu biết về kho tư liệu này còn tương đối mơ hồ, hạn hẹp và còn khá mới mẻ đối với công chúng. 

Theo GS. Trần Kinh Hòa, thì chỉ một thập kỷ sau ngày vua Bảo Đại thoái vị, vào năm 1955, có đến trên 80% số Châu bản quý giá này đã bị mất mát, thất lạc. Hiện nay, một phần Châu bản còn lại được sắp xếp và đóng thành 734 tập, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội. Tuy thất lạc khá lớn nhưng số lượng còn lại của Châu bản triều Nguyễn cũng đủ để những nhà nghiên cứu xác định nhiệm vụ rõ ràng trong việc đưa những văn bản này đến gần hơn với công chúng, tạo điều kiện cho không chỉ người Việt Nam, mà du khách nước ngoài có thể tiếp cận, tìm hiểu một cách dễ dàng hơn. 

Châu bản năm vua Minh Mạng thứ 11 (1830)

Bằng chứng giá trị

Bên cạnh những giá trị lịch sử lớn lao như trên, Châu bản triều Nguyễn đã cho thấy vương triều này đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách có hệ thống đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo nghiên cứu “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa qua các Châu bản triều Nguyễn thế kỷ 19” của TS Nguyễn Nhã - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngay từ năm 1816, vị vua đầu triều là Gia Long đã bắt đầu sai Thủy quân cùng đội Hoàng Sa đi công tác ở Hoàng Sa đo đạc thủy trình. Cùng với đó, trong giai đoạn trị vì của những vị vua triều Nguyễn, đối với Hoàng Sa, việc đi cắm mốc chủ quyền đã thành thông lệ hàng năm. Đặc biệt, dưới thời vua Minh Mạng đã có những văn bản ngoại giao quan trọng ghi rõ chi tiết về việc cắm mốc chủ quyền. Trong đó ngoài việc khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ, cắm mốc… có nhiều Châu bản ghi chép lại quá trình dựng bia, xây dựng miếu thờ, trồng cây, cũng như khai thác các sản vật như san hô đỏ, rùa biển… tại khu vực này. Những hành động đó đã chỉ ra rằng, chưa có vị hoàng đế nào lại dành sự quan tâm đặc biệt đến việc cắm mốc chủ quyền biển đảo như hoàng đế Minh Mạng.

Đồng tình với những quan điểm này, PGS.TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế khẳng định, những Châu bản được các vị vua triều Nguyễn phê duyệt không chỉ có hiệu lực về mặt hành chính trong cả nước, mà còn mang tính pháp lý quốc tế, bởi vậy giá trị của nó được ghi nhận tuyệt đối. Bên cạnh đó, các Châu bản này chính là quốc bảo được triều Nguyễn dày công xây dựng, bảo quản. Qua những nghiên cứu của mình, ông cũng khẳng định triều Nguyễn là Nhà nước duy nhất vào thế kỷ 19 có văn bản của triều đình và được hoàng đế phê duyệt đề cập đến nhiệm vụ của các đơn vị, quan chức quản lý Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 

Đề xuất vinh danh Bảo vật Quốc gia

Với tính độc đáo và giá trị lịch sử lớn lao như vậy, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng như nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ tin tưởng Châu bản triều Nguyễn đủ điều kiện cần được chính thức vinh danh là Bảo vật Quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việc công nhận này sẽ giúp ích cho việc huy động, phát huy giá trị của nguồn tư liệu này không chỉ trong việc nghiên cứu, mà còn phục vụ trực tiếp, hiệu quả đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.