Châu Âu sẽ được giải cứu?

ANTĐ - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đã họp tại Paris (Pháp) để tìm cách cứu đồng Euro trước nguy cơ sụp đổ. Sau “hội nghị thượng đỉnh mini” này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có ba ngày để nghiên cứu dự thảo hiệp ước của bộ đôi “Merkozy” trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU khai mạc tại Brussels (Bỉ).

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel hàn gắn các bất đồng để giải cứu châu Âu

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã có cuộc trao đổi để tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều quan điểm còn khác nhau trong một bữa ăn thân mật. Kết quả là lãnh đạo hai nền kinh tế trụ cột khu vực đã đạt được nhất trí về một hiệp ước châu Âu mới.

Theo sự nhất trí của hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức, cần có một hiệp ước châu Âu mới giữa 27 thành viên EU, nếu không là giữa 17 nền kinh tế thành viên khu vực sử dụng đồng Euro. Hiệp ước mới có thể được đưa ra vào tháng 3 năm 2012 và sẽ được thông qua ngay sau các cuộc bầu cử Tổng thống và cơ quan lập pháp tại Pháp vào mùa hè 2012. Để tránh nguy cơ một nước thành viên nào đó có thể làm ngưng trệ tiến trình thông qua, hiệp ước có thể được thông qua với đa số ủng hộ là 85%, chứ không cần phải đạt được đa số tuyệt đối.

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cũng đạt được nhất trí về nhiều biện pháp khác để giải quyết khủng hoảng, như áp dụng các biện pháp trừng phạt tự động trong trường hợp một nền kinh tế nào đó trong khu vực sử dụng đồng Euro vi phạm quy định thâm hụt ngân sách công quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các nước trong khu vực đồng tiền chung phải cùng áp dụng một quy định vàng về cân bằng ngân sách và Tòa án công lý EU sẽ có chức năng giám sát việc thực hiện nguyên tắc vàng này. Tòa án Công lý châu Âu sẽ xác nhận các ngân sách này; không phát hành trái phiếu euro cùng sở hữu; người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên Eurozone dự Hội nghị Thượng đỉnh hàng tháng cho đến khi khủng hoảng kết thúc. Ngoài ra, ông Sarkozy và bà Angela Merkel cũng nhất trí sẽ thúc đẩy cơ chế ổn định châu Âu có hiệu lực vào năm tới 2012 thay vì năm 2013 như kế hoạch ban đầu.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) được hy vọng là liều thuốc đặc trị khủng hoảng nợ công, đảm bảo eurozone sẽ không sụp đổ.

Theo báo New York Times, các nhà lãnh đạo EU muốn cầu viện sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). EU sẽ đề nghị IMF cho các nước khối đồng Euro vay tiền. Trước đó, IMF đã hỗ trợ tài chính các nền kinh tế nhỏ ở châu Âu như Ireland, Hi Lạp và Bồ Đào Nha. Giới chuyên gia nhận định IMF không có đủ nguồn lực để giúp các nền kinh tế lớn như Italia hay Tây Ban Nha.

Hiện tại, tổng nợ Italia và Tây Ban Nha lên đến hơn 3.300 tỷ USD. Trong sáu tháng tới hai nước phải trả nợ tới hơn 400 tỷ USD, tương đương tổng số tiền IMF có thể cho vay trên toàn thế giới. Nguồn tin châu Âu tiết lộ các quan chức EU sẽ đề nghị IMF đóng góp vốn hoặc hoạt động như một kênh để huy động tiền từ các quốc gia đang thặng dư thương mại như Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal, mới đây Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ khả năng dùng khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ 3.200 tỷ USD để cứu trợ châu Âu. Như vậy, nhiều khả năng IMF vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc giải cứu châu Âu trước thảm họa tài chính.

Trong một diễn biến khác có liên quan, một kế hoạch mới của Chính phủ Italia đòi hỏi những hy sinh lớn từ phía người dân nước này, với những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắt khe. Để đối phó khủng hoảng nợ công, Chính phủ của Thủ tướng Ý Mario Mont thông qua gói giải pháp tái đánh thuế nhà ở, kiều hối; tăng thuế đối với một số mặt hàng xa xỉ như du thuyền, máy bay riêng, xe hơi đắt tiền; nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 40 lên 41 năm đối với nữ và 42 năm đối với nam. Giai đoạn 2012-2017, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 66, nữ là 62 tuổi (hiện là 60). Từ năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu chung là 66; người lao động có thể làm việc đến 70 tuổi. Các việc này sẽ tiết kiệm ngân sách khoảng 20 tỷ euro vào năm 2014, nhưng chi thêm 10 tỷ euro cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.