Châu Âu "khai tử" đồng 500 euro

ANTĐ - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định “khai tử” đồng tiền có mệnh giá cao nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu là 500 euro do lo ngại bị lợi dụng để rửa tiền hoặc các hoạt động tội phạm.

Châu Âu "khai tử" đồng 500 euro ảnh 1ECB khai tử đồng tiền giấy 500 euro vì lo ngại bị tội phạm có tổ chức lạm dụng vào các mục đích phạm tội

Trong cuộc họp ngày 4-5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định loại bỏ đồng tiền có mệnh giá cao nhất là 500 euro và theo lộ trình tới cuối năm 2018 sẽ chấm dứt hẳn việc lưu thông đồng tiền này. Theo đó, Hội đồng ECB quyết định rằng, từ nay tới cuối năm 2018, đồng 500 euro sẽ vẫn được coi là phương tiện giao dịch theo luật định và các cửa hàng vẫn phải tiếp tục chấp nhận đồng tiền này. 

Tuy vậy, trên thực tế hiện nhiều cửa hàng ở châu Âu đã từ chối nhận thanh toán với đồng 500 euro. Bù lại, các ngân hàng có thể nhận và đổi đồng 500 euro sang các mệnh giá nhỏ hơn vào bất kể thời gian nào với ước tính từ nay tới cuối năm 2018, khoảng 600 triệu euro mệnh giá 500 euro sẽ được các ngân hàng thay thế bằng các đồng mệnh giá nhỏ hơn, gồm các đồng 200, 100, 50, 20, 10 và 5 euro.

Quyết định “khai tử” đồng 500 euro - một trong những tờ tiền có giá trị cao nhất thế giới, tương đương khoảng 560USD, 3.400 nhân dân tệ, và 67.000 yen Nhật - không gây ngạc nhiên bởi trước đó các thành viên của ECB đã có nhiều tranh luận về việc có nên giữ đồng tiền mệnh giá cao nhất trong hệ thống tiền tệ của mình hay không. Mệnh giá lớn giúp ích cho không ít người dùng ưa thích sử dụng tiền mặt hay đi du lịch… song đồng 500 euro cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là mặt trái ngày càng khó kiểm soát.

Giới phân tích cho rằng, đồng tiền giấy 500 euro với đặc tính mệnh giá cao, nhẹ và phương thức trao đổi đơn giản rất tiện lợi cho việc lưu giữ, vận chuyển và tiêu dùng. Theo tính toán, một khoản tiền 10 triệu euro, nếu với tiền giấy mệnh giá 50 euro, sẽ gồm 200.000 tờ với tổng trọng lượng lên tới 184kg, trong khi nếu mệnh giá 500 euro thì chỉ cần 20.000 tờ và trọng lượng chỉ khoảng 22kg; hay có thể đút gọn trong túi quần 100.000 euro tiền mặt nếu toàn đồng mệnh giá 500 euro.

Sự tiện lợi của đồng tiền giấy 500 euro được không ít người ở châu Âu ủng hộ, trong đó từ các chính trị gia cánh tả tới giới bảo vệ người tiêu dùng, người đứng đầu các ngân hàng liên bang hay quỹ tiết kiệm ở Đức đều phản đối mạnh việc loại bỏ đồng tiền mệnh giá này. Tuy nhiên, số đông hơn tại châu Âu, trong đó chính ECB từng thừa nhận đã sai lầm khi cho lưu hành một đồng tiền có mệnh giá lớn đến thế, lại tán đồng loại bỏ đồng tiền giấy 500 euro vì cho rằng đồng tiền màu tím nhạt, nhỏ gọn, giá trị cao này rất thuận tiện cho tội phạm chuyển tiền bất hợp pháp phục vụ cho các hoạt động ngầm có tổ chức, trong đó có cả hoạt động khủng bố nên có thể được các tổ chức tội phạm mua lại với giá 520 euro 1 tờ mệnh giá 500 euro.

Phát biểu sau quyết định ngày 4-5 của ECB, Chủ tịch ECB Mario Draghi nêu rõ, việc từng bước loại bỏ tiền giấy mệnh giá 500 euro nhằm hạn chế nguy cơ đồng tiền mệnh giá cao này bị sử dụng vào mục đích tài trợ khủng bố, rửa tiền và các việc phạm pháp. Được biết, đồng 500 euro hiện chỉ chiếm khoảng 3% tổng số tờ tiền giấy euro đang được lưu hành (với tổng giá trị tính tới năm 2015 là gần 307 tỷ euro trong tổng giá trị tiền giấy 1.100 tỷ euro), song xét về giá trị lại chiếm tới gần 30% dù loại tiền này không được sử dụng thường xuyên trong các giao dịch.