Châu Âu đau đầu với tâm lý bài ngoại ở Anh

ANTĐ - Trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Mỹ B. Obama đã lên tiếng hối thúc giới trẻ Anh từ bỏ chủ nghĩa bi quan, hoài nghi và bài ngoại, rằng “mọi người nên xem toàn cầu hóa và hội nhập là cơ hội chứ không phải là mối đe dọa”.

Châu Âu đau đầu  với tâm lý bài ngoại ở Anh ảnh 1

Một cuộc tuần hành phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Anh

Phát biểu trong buổi tiếp xúc với dân chúng Anh ở Thủ đô London ngày 23-4, trong đó phần lớn là giới trẻ, ông Obama khẳng định: “Tôi không tin EU làm giảm ảnh hưởng của Anh trên thế giới, mà nó làm cho ảnh hưởng này lớn hơn rất nhiều”. Ông B. Obama cũng cảnh báo rằng nếu Anh ra khỏi EU, nước này có thể cần tới từ 5 đến 10 năm để đàm phán hiệp định thương mại song phương với Mỹ.

Theo kế hoạch, vào ngày 23-6 tới, Anh sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về quy chế thành viên của nước này trong EU. Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận trong những tuần gần đây cho thấy số người ủng hộ Anh ở lại nhỉnh hơn số người muốn Anh rời khỏi EU, tuy nhiên, hiện vẫn có tới 13% cử tri Anh chưa đưa ra quyết định về vấn đề này, khiến việc “đi, ở” của Anh trở nên nhạy cảm. 

Những con số thống kê cùng những phân tích của các chuyên gia đều chỉ ra cái giá khá đắt nếu Anh rời khỏi EU. Một báo cáo của Bộ Tài chính Anh cảnh báo, nếu Anh rời thị trường 500 triệu người tiêu dùng là EU, nước này sẽ mất khoảng 36 tỷ bảng tiền thuế ròng và phải thương lượng lại hiệp định thương mại tự do với liên minh này. Để mọi người dễ hiểu, ông Bộ trưởng Tài chính G. 

Osborne tính rằng, mỗi hộ gia đình Anh sẽ mất đi khoảng 4.300 bảng (6.100 USD)/năm từ nay đến năm 2030 nếu Anh rời EU. Khi tiền bạc không phải là nguyên nhân, người ta ngày càng quan tâm đến tâm lý bài ngoại, yếu tố đang nổi lên như vật cản khiến nhiều người Anh hoài nghi mọi mối liên kết với bên ngoài. Dư luận Anh từng có thời xôn xao khi báo chí phát hiện công ty bán lẻ đồ dùng gia đình và đồ chơi trẻ em TESCO and Toy R Us cho ra thị trường hai loại búp bê da trắng được bán với giá 50 bảng Anh trong khi đồ chơi da màu chỉ dừng lại ở mức 29,99 bảng.

Phóng viên thể thao K. Quigley cũng từng “chộp” được cảnh U20 Anh dùng bữa trưa và tập luyện theo cách “bất thường”. Ở bữa ăn, một bàn được dọn riêng cho các cầu thủ da trắng và một bàn khác cho các cầu thủ da màu. Việc chia cách này cũng được thấy ở bể bơi hay lúc tập đạp xe trong phòng gym. Dù chưa ai chính thức lên tiếng giải thích điều khác lạ này nhưng mối lo ngại về sự phân biệt chủng tộc đã hiện hữu.

Làn sóng người nhập cư và tị nạn khổng lồ đang đổ vào châu Âu càng kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại gia tăng trong một bộ phận không nhỏ người dân Anh. Số lượng thống kê cho biết, lượng người nhập cư vào Anh trong năm ngoái ước tính là 330.000 người, con số cao kỷ lục. Năm 2014, 13% dân Anh là người sinh ra ở nước ngoài, tương đương 8,3 triệu người.

Đó chính là lý do khiến Tổng thống Mỹ B. Obama dành mục đích chính của chuyến thăm Anh lần này để thuyết phục cử tri Anh không từ bỏ vai trò là thành viên của liên minh châu Âu. Chính phủ Mỹ cũng như nhiều ngân hàng và công ty tại Mỹ lo sợ sự ra đi của Anh sẽ tạo ra sự rối loạn thị trường, làm giảm ảnh hưởng của Anh, suy yếu vị thế London vốn là Thủ đô tài chính toàn cầu, làm tê liệt EU và phá hoại an ninh phương Tây.

Trước mắt, ông B. Obama phần nào trấn an được người dân Anh, nhưng lực lượng chống đối vẫn rất cương quyết. Thị trưởng London B. Johnson mô tả phát biểu của ông B. Obama là “đạo đức giả” vì các nhà lãnh đạo của Mỹ không bao giờ muốn gia nhập một thực thể như EU. EU sẽ còn đau đầu với mối lo bài ngoại ở Anh.