Chất vấn ra vấn đề

ANTĐ - Có lẽ là lần đầu tiên, mở đầu phiên chất vấn Thủ tướng và bốn thành viên Chính phủ, một bản báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 đã được trình bày trên nghị trường. Báo cáo làm rõ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đã chất vấn từ hai kỳ họp trước được các thành viên Chính phủ thực hiện như thế nào trong trọng trách và nhiệm vụ của mình.

Sự quan tâm của cử tri và người dân về hoạt động chất vấn của Quốc hội không chỉ là “độ nóng” của những vấn đề, đại biểu nào chất vấn hay, thành viên Chính phủ nào trả lời sắc sảo, mà điều quan trọng là chất vấn đi đến cùng, làm rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ba Bộ trưởng Công Thương, Xây dựng và Y tế đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu cho thấy, những vấn đề nổi cộm nhất sẽ được mang ra “mổ xẻ”, phân tích, giải trình. Đó là lộ trình, giải pháp xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng. Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong quản lý điều hành các tập đoàn.

Đặc biệt là hiệu quả hoạt động, kết quả thanh tra các tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ, thất thoát lãng phí, nợ đọng, đầu tư ngoài ngành. Nhiều vấn đề về đời sống, dân sinh, giá thuốc chữa bệnh, giá xăng dầu, điện cũng được các đại biểu bấm nút chất vấn. Về bản chất, chức năng giám sát của Quốc hội có thể coi là chức năng quan trọng nhất chỉ đứng sau chức năng lập pháp. Do đặc điểm của một quốc gia đang tiến tới hoàn thiện nhà nước pháp quyền, các kỳ họp Quốc hội hàng năm thường phải dành một thời gian lớn đề bàn bạc, thảo luận, góp ý, sửa đổi, ban hành hàng chục bộ luật. Đây là một thực tế mặc nhiên phải chấp nhận, cũng có nghĩa là thời gian của các ủy ban, các đại biểu dành để thực hiện chức năng giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất bị hạn chế. Để hoạt động giám sát thực sự có hiệu quả, các ủy ban của Quốc hội, nhất là các đại biểu phải được “trang bị” các phương tiện để thu thập thông tin.

Có thể nói các kênh thông tin từ các bộ, ngành, nhất là thông tin nóng hổi từ thực tiễn sinh động của đời sống kinh tế-xã hội, thông tin thu thập từ các đoàn giám sát của Quốc hội cũng như của các ủy ban điều tra… là cực kỳ quan trọng, làm cơ sở vững chắc để các đại biểu Quốc hội xem xét, phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận. Theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có nhiều phương thức để thu hút thông tin là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, có đủ năng lực xác định thông tin gì là cần thiết và phải thu thập cho bằng được cũng không kém phần quan trọng. Các bộ, ngành có thể cung cấp các bản báo cáo các thông tin, số liệu cho các vị đại biểu hoặc các ủy ban của Quốc hội. Song, hàng trăm trang báo cáo, giải trình có thể khiến cho đại biểu mất khá nhiều thời gian thậm chí thông tin nặng về trình bày, nhiễu loạn, ít có chất lượng và hữu ích. Chính vì vậy, Quốc hội các nước thường đòi hỏi rất khắt khe các loại thông tin và chất lượng thông tin cung cấp cho Quốc hội.

Hoạt động chất vấn là rất cần thiết và quan trọng, nhưng chỉ thực sự có chất lượng và mang lại hiệu quả khi thu thập thông tin, xử lý thông tin kết hợp làm một. Có như vậy mới đạt được mục đích: chất vấn ra vấn đề làm rõ trách nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.