Chất vấn ra... vấn đề

ANTĐ - Từ nay tôi với ông phải tăng cường kiểu chất vấn nhau, chứ toàn đối thoại, nhiều khi độc thoại, chán chết!

- Tôi cũng thích thế lắm chứ, nhưng chỉ sợ chất vấn căng thẳng quá, đến mức “nảy lửa”, thậm chí cãi vã, lý sự cùn rồi mất cả tình nghĩa, đến mức chả thèm nhìn mặt nhau, chả muốn ngồi uống với nhau chén trà suông.

- Ông vẫn nghĩ theo kiểu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “dĩ hòa vi quý”, rút cuộc là “bằng mặt mà không bằng lòng”. Chẳng thà đừng nói cho tốn hơi, tốn sức, lại mất thời gian.

- Nói thật, tôi vẫn “thèm” cái cách của người... Tây. Trong quan hệ gia đình, giữa vợ chồng, cha con; trong nhà trường giữa thầy và trò; trong xã hội giữa quan và dân, giữa cấp trên và cấp dưới... hầu như họ rất thẳng thắn tranh luận, tranh cãi, thậm chí “mất mặn, mất ngọt”, nhưng sau đó vẫn vui vẻ, hòa thuận, bắt tay nhau. Không để bụng, thù dai, nhớ lâu.

- Cái đó bây giờ gọi là phản biện, tranh luận, tranh cãi, nói tóm lại ở trình độ dân chủ tức là chất vấn đấy. Điều quan trọng là cái tâm trong sáng, người hỏi và người trả lời đừng hẹp hòi chấp nhặt những lời nói nặng nhẹ.

- Đúng thế, nhiều khi chất vấn mà chỉ nhìn vào mặt nhau, xem thái độ của nhau thì khó mà nhìn ra... vấn đề cần chất vấn.

- Khốn nỗi, nhiều khi chất vấn mãi mà vẫn chỉ ra vấn đề cũ, chứ chẳng có một chút ánh sáng le lói nào.

- Từ nãy đến giờ, tôi với ông chẳng phải đã “chất vấn” nhau đó thôi. Xin hỏi, có sáng ra cái gì không?