Chất thơ của người lính thép

ANTD.VN -Biết và chơi với anh dễ cũng đến hơn 10 năm có lẻ, trong câu chuyện chân tình giữa hai người bạn vong niên, Đại tá Đào Vịnh Thắng-Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội buột miệng chợt khoe: “mình vừa có một bài thơ được nhạc sỹ Phú Quang phổ thành bài hát”. Tò mò muốn biết sự kết hợp giữa một nhạc sỹ tài hoa với một “tư lệnh” CSGT Thủ đô suốt ngày ở những tuyến đường nóng, bụi bặm sẽ như thế nào. Chỉ chừng đó thôi đó cũng là một điều hết sức thú vị đối với những người làm báo như chúng tôi.

Lấy niềm vui, hạnh phúc, bình yên của nhân dân là lẽ sống

Nói về giao thông của Thủ đô, có lẽ một trong những người được nhắc đến sẽ là Đại tá Đào Vịnh Thắng. Bởi anh không chỉ là Trưởng phòng, người đứng đầu một trong những đơn vị mũi nhọn của CATP Hà Nội mà còn là "tác giả" của nhiều cải cách, thay đổi tích cực của CSGT.

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT hướng dẫn phương án phân luồng chống ùn tắc cho CBCS

Đại tá Đào Vịnh Thắng quan niệm, người chiến sĩ CSGT từ bộ phận trực ban, hành chính hay ra đường chống ùn tắc, phân luồng…không chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình mà còn phải là người phục vụ. Từ nhiệm vụ của mình để phục vụ nhân dân hay phải phục vụ nhân dân tốt nhất thì điều đó cũng đồng nghĩa nhiệm vụ của người CSGT mới được xem là hoàn thành.

Tinh thần “Mỗi ngày, mỗi người có ít nhất một việc làm tốt phục vụ nhân dân” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của người CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. Từ những người tưởng chừng như chỉ biết đến hồ sơ giấy tờ  hành chính khô cứng, nụ cười khi tiếp xúc với nhân dân luôn nở trên môi. Ai chưa biết thủ tục thì tận tình hướng dẫn, không để phải quay lại hỏi lần thứ 2; còn ai đủ điều kiện đều được giải quyết nhanh chóng theo đúng quy định. Khi tiếp xúc, thái độ ái ngại tồn tại cố hữu bấy lâu nay của người dân đã biến mất, thay vào đó là sự thoải mái, thân thiện, chân tình giữa người CSGT giải quyết thủ tục hành chính, xử phạt, đăng ký phương tiện….với người dân đến liên hệ làm việc.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cùng chỉ huy các đơn vị tặng nước động viên CBCS làm nhiệm vụ trong thời tiết nắng nóng 40 độ C

Trên mỗi cung đường gió bụi, “sống chung” với tiếng ồn, ô nhiễm và vượt lên hiểm nguy, bản thân từng CBCS CSGT luôn khắc ghi yêu cầu nhiệm vụ này. Chẳng thể đếm được đã có bao nhiêu người tuyệt vọng muốn gieo mình xuống dòng sông Hồng để tự tử, đã được CSGT Hà Nội phát hiện, cứu sống; hay những em nhỏ, cụ già đi lạc nhà, lang thang trên phố được CSGT tìm thấy, đưa về gia đình trong niềm hân hoan, vui mừng đến rơi lệ của người thân. Cũng không thể kể hết có bao nhiêu sỹ tử cùng người thân lai kinh ứng thí gặp khó khăn, sự cố đã được CSGT giúp đỡ từ cây bút, quyển vở đến nơi ăn, chốn ở.

Hình ảnh người chiến sĩ CSGT điều khiển chiếc mô tô đặc chủng chở đằng sau những thí sinh bị gặp sự cố trên đường, lạc địa điểm thi đến đúng trường thi kịp giờ làm bài thi trong những năm qua đã khiến hàng triệu người xúc động. Hay như những nữ CSGT “đội cả trời nắng gắt, đội cả trời mưa rào” trên đầu để phân luồng, hướng dẫn, chỉ huy giao thông, phục vụ các kỳ cuộc, ngày lễ, tết…đã trở thành hình ảnh đẹp, xúc động mạnh đối với tất cả người dân, người tham gia giao thông.

Sự mềm mại, cương nghị đó đã giúp cho những con đường ồn ã, đông đúc vào giờ cao điểm trở nên thanh thoát, mềm mại hơn. ..Tất cả đã thay đổi gần như toàn diện để người CSGT trở lên chính quy hơn, đẹp hơn, thân thiện, tin tưởng, đáng yêu hơn trong mắt người dân Thủ đô, cả nước và du khách quốc tế.

Bật ý thơ trong những ồn ào, khói bụi

Chẳng thể nghĩ một người được xem là “Tư lệnh” của CSGT Thủ đô suốt ngày  hoạch định kế hoạch giải quyết ùn tắc, kiềm chế, làm giảm TNGT…lại là người yêu thơ và có tâm hồn lãng mạn. Không ít lần trong những khi cao hứng với cánh phóng viên, Đại tá Đào Vịnh Thắng đọc liền vài bài thơ một lúc.

Những nữ CSGT đứng phân luồng làm nhiệm vụ đã góp phần đảm bảo ATGT trên địa bàn Thủ đô

Những câu thơ của một người lính, một người chỉ huy rất đặc trưng. Đó là những đêm tuần tra trong sương đêm lạnh giá giữa khoảng khắc giao thừa ấm lòng khi thấy đường phố bình yên, và rồi lại tất tả trở về xông nhà khi xong ca trực vào cuối ngày đầu năm mới. Hay giọt nước mắt hạnh phúc của cô gái gặp lại người thương sau bao năm xa cách trên đường phố…

“Những con đường em qua

Màu áo vàng anh mặc

Áo vàng Bác đã trao

Suốt một đời anh mang”

Trên dòng người tưởng chừng đông như mắc cửi, màu áo vàng của người CSGT mà Bác đã trao luôn được xem là biển báo bình yên cho mỗi người dân. Khi đã khoác lên mình bộ áo vàng lúa chín ấy, mỗi người chiến sĩ CSGT đều nhận thức được niềm vinh dự, tự hào, nâng niu trọn vẹn. Cho dù:

“Dù mưa có tuôn rơi

Dù gió rét căm căm

Dù nắng hè bỏng rát

Những giọt mồ hôi rơi

Anh chẳng quan gian lao

Vẫn giữ cho bình yên từng con phố

Để lòng dân tin yêu

Màu áo vàng anh mang

Mãi để em thương nhớ

Người công an giao thông”

Dù ở khía cạnh nào thì trong thơ anh vẫn chứa đựng đến đầy đặn bức tranh giao thông và công việc của một người lính trên mặt trận “bóng rát” này.

Cơ duyên bài thơ của anh đến với nhạc sỹ Phú Quang trong một lần gặp gỡ giữa hai người. Để rồi mỗi câu thơ như có thêm sức sống mới khi được người nhạc sỹ tài hoa khoác lên mình những âm hưởng rất Hà Nội vào đúng ngày 19-8, kỷ niệm ngày thành lập lực lượng CAND. Bài hát “Màu áo anh mang” ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt như vậy.  Nó như chứa đựng tâm sự cả một đời chinh chiến của người lính khoác trên mình màu áo Bác trao giữa trận tuyến đảm bảo ATGT cho Thủ đô thân yêu.