- Vụ khai thác trái phép đất hiếm tại Yên Bái: Tinh vi thủ đoạn “tuồn” tài nguyên ra nước ngoài
- Đề nghị truy tố cựu thứ trưởng vì “tiếp tay” doanh nghiệp khai thác đất hiếm trái phép
- Cuộc chiến giành tài nguyên đất hiếm khốc liệt không kém dầu mỏ
Theo kết luận điều tra vụ án vừa được Cơ quan điều tra (CQĐT), Bộ Công an ban hành, giai đoạn 2019 – 2023, Đoàn Văn Huấn (Giám đốc Công ty Thái Dương) chỉ đạo, tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) với tổng trị giá hơn 864 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Thái Dương đã bán trái phép hơn 10.292 tấn quặng hàm lượng TREO 18-20%, trị giá 403 tỷ đồng và 280.846 tấn quặng sắt, trị giá 333 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 736 tỷ. Hành vi này phạm vào tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Một góc khu khai thác và chế biến đất hiếm tại Yên Bái |
Ngoài ra, bị can Huấn còn chỉ đạo cấp dưới xuất hóa đơn bán quặng đất hiếm và quặng sắt ghi đơn giá thấp hơn giá bán thực tế. Qua đó khai man và không kê khai nộp thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,6 tỷ đồng.
Với tội “Gây ô nhiễm môi trường”, CQĐT xác định, tại mỏ đất hiếm Yên Phú, Đoàn Văn Huấn xây dựng và vận hành 2 hệ thống nhà xưởng gồm: Hệ thống xưởng nghiền, tuyển quặng đất hiếm do Nguyễn Văn Lai (Phó Giám đốc xưởng) điều hành và Hệ thống xưởng thuỷ luyện đất hiếm do Lê Văn Cẩn (Quản đốc xưởng) điều hành.
Hai hệ thống nhà xưởng này khi vận hành sẽ sinh ra bùn thải cùng thải thạch cao bẩn. Theo quy định, Công ty Thái Dương phải thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐTM).
Doanh nghiệp này cũng phải xây dựng hồ chứa bùn thải quặng và 3 hồ lắng bùn thải trên nền đá vững, trải lớp đất sét 0,5m chống thấm bên dưới… Tương tự, nhà máy thủy luyện cũng cần đảm bảo các yêu cầu về môi trường, không gây ra hiện tượng thẩm thấu các chất ô nhiễm.
Tuy nhiên, Đoàn Văn Huấn đã xây dựng các hệ thống hồ chứa không đúng theo quy định và không xây dựng hồ chứa bùn thải lẫn thạch cao.
Bị can Đoàn Văn Huấn - Giám đốc Công ty Thái Dương (bên trái) và đồng phạm |
Mặt khác, nước thải sau khi xử lý được xả thải ra ngoài môi trường cần bảo đảm sự an toàn. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, nước thải từ mỏ đất hiếm do Công ty Thái Dương khai thác có chất độc hại vượt ngưỡng an toàn cho phép.
Ngoài ra, do Công ty Thái Dương không xây dựng khu vực hồ chứa nên Bùn thải lẫn thải thạch cao từ nhà máy thủy luyện được đổ thành đống trực tiếp ra môi trường, tại các vị trí xung quanh khu vực mỏ Yên Phú. Chúng không được che chắn, có thể phát tán ra môi trường xung quanh.
CQĐT xác định, dù chưa đủ điều kiện để xả thải ra môi trường nhưng Đoàn Văn Huấn vẫn chỉ đạo Nguyễn Văn Lai (Phó Giám đốc điều hành xưởng đất hiếm) thực hiện bơm, xả 348.770 tấn bùn thải ra khu vực hồ chứa không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Xưởng thuỷ luyện đất hiếm của Công ty Thái Dương cũng đổ 2.425 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải ra các khu vực không được phép tại mỏ Yên Phú.
Bị can Nguyễn Văn Lai khai đã yêu cầu công nhân vận hành máy bơm, xả lên khu vực bãi chứa đất đá và hồ thải. Các địa điểm này không có biển cảnh báo chất thải nguy hại, không có vật che chắn.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định của Bộ Khoa học Công nghệ nhằm xác định có hay không sự tồn tại của các chất độc hại trong các mẫu giám định thu được tại các địa điểm có liên quan; nồng độ, hàm lượng của các chất độc hại đó có vượt quá tiêu chuẩn cho phép hay chưa…
Bộ Khoa học Công nghệ công sau đó bố kết quả giám định cho thấy, toàn bộ các mẫu chất thải tại mỏ đất hiếm Yên Phú đều có chất độc hại nhưng ở mức thấp. Tuy nhiên, mẫu nước thu tại các hồ chứa nước thải có tổng hoạt độ alpha, beta “vượt ngưỡng an toàn cho phép”.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Thế Phước (Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) có lời khai thể hiện, ông này là người ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị gia hạn giấy phép cho Công ty Thái Dương.
Tuy nhiên, việc theo dõi, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Thái Dương do Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện theo chức năng được phân công, song cơ quan này không phản ánh các sai phạm của doanh nghiệp. Mặt khác, ông Phước không nhận được các kiến nghị hoặc tố giác của nhân dân liên quan đến sai phạm tại mỏ Yên Phú.