Chất lượng tùy tiện như xe đạp điện

ANTĐ - Các cơ quan chức năng cho rằng, xe điện có công suất từ 250W trở xuống thì là xe đạp, còn từ 250-400W sẽ là xe máy. Tuy nhiên, xe Trung Quốc đa phần ghi thông số rất… “lôm côm” tùy tiện. Có những xe ghi 350W nhưng đo thực tế chỉ có 150W. Thậm chí, nhiều xe còn chẳng ghi những thông số này.

Chất lượng tùy tiện như xe đạp điện ảnh 1Rất khó tìm nơi sửa khi xe đạp điện bị hỏng

“Phủ sóng” trên toàn quốc

Năm 2008, khi trào lưu xe máy Trung Quốc đã chạm đáy, những chiếc xe đạp điện từ nước này bắt đầu “đổ bộ” vào Việt Nam. Khoác chiếc áo “thân thiện môi trường” do không phát sinh khí thải, có tốc độ thuộc diện “chấp nhận được” so với xe máy, những chiếc xe đạp điện nhanh chóng nhận được cái gật đầu của thị trường.

Anh Nguyễn Anh Hải là thợ sửa xe máy điện lành nghề thuộc diện “top” của Hà Nội. 6 năm trước, Hải làm nhân viên kỹ thuật và bảo trì của Công ty TNHH và thương mại Trí Năng - một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực cung ứng linh kiện xe máy Trung Quốc tại Việt Nam - nên có điều kiện tiếp xúc với loại phương tiện này khá sớm.

Ban đầu, xe điện Trung Quốc chỉ được chào bán tại các tỉnh phía Nam. Do giá thành rẻ, mẫu mã khá phong phú nên chỉ trong vài năm, loại phương tiện này đã tràn ngập và hiện nay có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sử dụng nhiều nhất là học sinh phổ thông và người lớn tuổi. Anh Hải cho biết: “Hiện nay, các gia đình ở thành phố lớn đều sắm một chiếc xe đạp điện để con em đi học hàng ngày. Với các phụ huynh, xe đạp điện là lựa chọn tối ưu. Chúng có tốc độ không quá cao như xe máy, nhưng nhanh hơn xe đạp thông thường. Vì vậy, dần dần, xe đạp điện không chỉ là mốt mà còn thành phương tiện không thể thiếu của học trò. Việc sở hữu một chiếc xe đạp điện hiện nay cũng rất đơn giản. Không cần đăng ký, đăng kiểm, chỉ cần ra cửa hiệu và trả tiền là bất kỳ ai cũng có thể đem một chiếc xe đạp điện về nhà và tha hồ vi vu”.

Chất lượng giời ơi

Về cơ bản, có thể chia xe đạp điện hiện nay thành 2 chủng loại. Đó là xe Trung Quốc và xe Nhật second hand (xe bãi). Ngoài ra, còn có một số lượng không đáng kể xe của các hãng nổi tiếng được nhập vào Việt Nam theo đường xách tay, quà tặng. Theo anh Hải, xe Nhật bãi chính là xe cũ hỏng, phế thải nhập về từ các tỉnh phía Nam, thợ sau đó sẽ đại tu, làm mới, chế lại rồi tung ra thị trường. Đây là loại xe có giá thành chỉ từ 4 – 7 triệu đồng/chiếc và linh kiện thay thế hoàn toàn của Trung Quốc. Đại đa số xe Nhật bãi là loại xe “trợ lực điện”, tức là hoàn toàn không có tay ga. Chỉ khi người lái đạp một lực đủ mạnh lên pê-đan thì mô tơ mới được kích hoạt và hỗ trợ lực kéo cho người lái. Do đó, thợ sửa xe sẽ phải thay tay ga, mô tơ của Trung Quốc để biến chiếc xe “trợ lực điện” thành xe đạp điện. Nói nôm na, xe Nhật bãi trên thị trường hiện nay hầu hết chỉ còn khung Nhật, còn mô tơ, tay ga… đều là đồ Trung Quốc thay thế.

Loại thứ hai là xe xuất xứ từ Trung Quốc và được chia làm 3 nhánh chủ yếu: Xe chính hãng sản xuất tại Trung Quốc (Honda, Yamaha, Giant, Bridgeston… có giá từ 12- 16 triệu đồng), xe chất lượng cao do Trung Quốc chế tạo (Xmen, Nijia, HKbike… có giá từ 15-18 triệu đồng), xe Trung Quốc nhái chính hãng (Emoto, Vip, Ebike, Sukaki… có giá từ 7-9 triệu đồng). Tuy nhiên, mỗi khi xe hỏng hóc, việc thay thế phụ tùng rất gian nan. Đó là chưa kể đến việc có những chiếc xe, người tiêu dùng tìm đỏ mắt cũng không có linh kiện vì…  “xe Tàu, phụ tùng mỗi chiếc một kiểu”.

Cũng theo anh Hải, phân biệt xe máy hay xe đạp điện hiện nay cũng mỗi người một phách. Người tiêu dùng quan niệm đơn giản, xe máy điện là xe có động cơ điện (mô tơ), còn xe đạp điện chính là xe máy điện nhưng có thêm bộ bàn đạp để có thể chạy khi xe hết pin. Thợ sửa xe lại căn cứ vào điện lượng của ắc quy, ví dụ: nếu xe có điện lượng ắc quy 12Ah (Ampe giờ) thì là xe đạp, còn từ 20Ah trở nên thì là xe máy. Các cơ quan chức năng lại cho rằng, xe có công suất từ 250W trở xuống thì là xe đạp, còn từ 250-400W sẽ là xe máy. Theo anh Hải, xe đạp hay xe máy điện về bản chất, cấu tạo không khác nhau. Nhưng nếu phân biệt như yêu cầu của các cơ quan chức năng thì cũng chẳng biết đâu mà lần vì xe Trung Quốc đa phần ghi thông số rất… “lôm côm”. Có những xe ghi 350W nhưng đo thực tế chỉ có 150W. Thậm chí, nhiều xe còn chẳng ghi những thông số này.