Chất lượng ở "vùng trũng"

ANTD.VN - Vừa có một thông tin rất “sốc” khiến dư luận xã hội bàng hoàng, choáng váng: 70% giáo viên phổ thông trên cả nước không đạt chất lượng. 

Nhận định này được chính người trong ngành giáo dục đưa ra trong một hội nghị bàn về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong bối cảnh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức hội thảo về chất lượng giáo dục phổ thông năm 2017, càng thu hút sự quan tâm, lo lắng của công luận, nhất là những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”.

Để đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào các trường học, ngoài chương trình giảng dạy, sách giáo khoa cũng như đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, thì một điều kiện quyết định sự thành bại chính là chất lượng đội ngũ giáo viên phải đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó còn đỏi hỏi tâm huyết với nghề sư phạm, yêu trẻ, chấp nhận mức lương thấp, chịu đựng những thiệt thòi nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn ngổn ngang thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Không thể phủ nhận sự tận tâm, tân tụy, nỗ lực vì học sinh, vì thế hệ tương lai của đất nước của hàng triệu thầy cô trên khắp mọi miền.

Tuy nhiên cũng phải nhìn thẳng, nói thật về chất lượng đáng lo ngại đội ngũ “thầy của những người thầy”. Dư luận xã hội từng xôn xao về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm trong mùa tuyển sinh năm nay, xuống cấp đến mức chạm sàn, nếu không muốn nói là “vơ bèo gạt tép”. Đâu chỉ là phụ huynh và thí sinh vẫn tồn tại tâm lý “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm”, mà chính chất lượng đào tạo khiến ngành Sư phạm bị bỏ qua. Hơn thế, trong những năm tháng đứng trên bục giảng, việc nâng cao trình độ, tay nghề cho giáo viên vẫn nặng về hình thức, chạy theo thành tích từ các kỳ thi dạy giỏi, giáo viên giỏi cấp quận, huyện, thành phố, kể cả cái gọi là “sáng kiến, cải tiến”. Bản thân những thầy cô lâu năm gắn bó, tâm huyết với nghề cũng không ngại nói thẳng “căn bệnh” cố hữu này.

Dân ta có câu “lương sư hưng quốc”. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, nói rộng ra là sự hưng thịnh của đất nước trông cậy vào chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay. Không thể đổ lỗi cho riêng ngành giáo dục, nhất là hàng chục triệu thầy giáo, cô giáo. Chất lượng ở “vùng trũng” thì ngành giáo dục làm sao thoát ra và vươn lên tầm châu lục và thế giới?