Chất lượng không khí dịp Tết ở Hà Nội tốt nhất trong nhiều năm qua

ANTD.VN - Vào dịp nghỉ lễ Tết trên các tuyến đường tại Hà Nội, phương tiện lưu thông ít và các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất tạm dừng. Từ ngày 25-27/1 xuất hiện nhiều trận mưa rào và dông kéo dài, giúp nồng độ bụi giảm, chất lượng không khí đạt mức “Tốt” tại 11/11 trạm. Đây là khoảng thời gian chất lượng không khí duy trì ở mức tốt nhất trong nhiều năm qua.
 

Trong tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, chất lượng không khí trên toàn TP duy trì ở mức khá tốt

Chiều 5-2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp giao ban công tác UBND TP tháng 1-2020.

Thời tiết diễn biến bất lợi

Báo cáo Chủ tịch UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong tháng 1/2020, thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, gió mùa Đông Bắc kết hợp với gió Đông Nam mang hơi nước nóng ẩm từ Biển Đông vào tạo dải hội tụ trong khí quyển gây hiện tượng sương mù, không mưa, ít nắng và lặng gió, làm giảm khuyếch tán ô nhiễm trong không khí khiến nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao. 

Mặt khác, thời điểm sát Tết âm lịch cũng là thời điểm gia tăng lượng phương tiện tham gia giao thông, các công trình xây dựng gấp rút hoàn thiện, còn tình trạng người dân dọn nhà thu gom rác và đốt rác tại các điểm công cộng, còn đốt các phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng để dọn dẹp mặt bằng vào mùa vụ mới. Bên cạnh đó, nhu cầu đốt vàng mã trong dịp cuối năm âm lịch và đầu năm mới tăng cao cũng làm giảm chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố trong tháng 1/2020.

Theo số liệu thống kê, vào các tuần sát Tết (từ 13/1 đến 22/1), nồng độ các chất trong không khí tăng khá cao, đặc biệt là bụi PM10 và PM2.5. Chỉ số chất lượng không khí, AQI tại trạm Trung Yên 3 dao động từ 62 (ngày 19/1) – 206 (ngày 14/1), trong đó có 5 ngày chất lượng không khí đạt mức “Trung bình”, 1 ngày mức “Kém” và 4 ngày chạm mức “Xấu”. Trạm Minh Khai dao động từ 76 – 222, với 3 ngày “Trung bình”, 3 ngày “Kém” và 4 ngày “Xấu”.

Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, chất lượng không khí trên toàn TP duy trì ở mức khá tốt, AQI dao động từ 34 (ngày 26/1) – 96 (ngày 23/1). Từ ngày 26/1 đến 28/1 CLKK liên tục duy trì ở mức “Tốt”, ngày 23/1 – 25/1 và 29/1 CLKK ở mức “Trung bình”. 

Vào dịp nghỉ Lễ Tết trên các tuyến đường tại Hà Nội phương tiện lưu thông ít và các công trình xây dựng, hoạt động sản xuất tạm dừng. Từ ngày 25-27/1 (mồng 1 đến mồng 3 Tết) xuất hiện nhiều trận mưa rào và dông kéo dài, giúp nồng độ bụi giảm, chất lượng không khí đạt mức “Tốt” tại 11/11 trạm, đây khoảng thời gian chất lượng không khí duy trì ở mức tốt nhất trong nhiều năm qua.

Đến ngày 29/01 (mồng 5 tết), người dân tỉnh xa và lân cận trở lại Hà Nội để làm việc nên lượng giao thông tăng cao trong ngày này khiến nồng độ bụi cũng tăng lên, chất lượng không khí ở mức “Trung Bình”, “Kém”.

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, chất lượng không khí chạm ngưỡng “Kém” và “Xấu”. AQI dao động từ 116 (ngày 30/1) – 196 (ngày 2/2). Có thể, một phần do lưu lượng xe cộ tăng cao trở lại, lượng khí thải ra môi trường lớn kết hợp với điều kiện khí tượng có diễn biến bất lợi (sương mù, độ ẩm cao, lặng gió, ít mưa) khiến các chất thải không khuếch tán được ra xa. 

Từ đêm ngày 3/2 sang ngày 4/2 do có gió mùa đông bắc mạnh tăng cường kết hợp mưa nhỏ đã giúp chất lượng không khí Hà Nội tốt rõ rệt, toàn bộ 11 trạm quan trắc không khí trên địa bàn Thành phố đều cho chỉ số AQI ở mức “Tốt”.

Hà Nội sẽ có 81 trạm quan trắc chất lượng không khí

Theo Sở TN&MT, qua theo dõi, giám sát diễn biến chất lượng không khí các năm gần đây, thời điểm đầu năm tháng 2,3 chất lượng không khí thường kém hơn các thời điểm khác trong năm. Do vậy, trong thời gian tới, để tiếp tục cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Thành phố cần sự tham gia quyết liệt của các cấp, các ngành.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang điều chỉnh Dự án đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động (bao gồm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 01 trạm quan trắc không khí lưu động), đảm bảo tiến độ trình UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 2/2020, triển khai dự án hoàn thành trong năm 2020.

Về việc tiếp nhận tài trợ 50 trạm quan trắc không khí cảm biến Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đơn vị tư vấn và các quận huyện thị xã khảo sát, lựa chọn 50 vị trí địa điểm trên nguyên tắc phù hợp với Quy hoạch mạng lưới quan trắc đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến tham vấn các chuyên gia trong nước và Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất về vị trí địa điểm phù hợp Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.

Hiện nay, đơn vị tài trợ đã phối hợp với hãng ENVEA Pháp để đặt hàng cung cấp các trạm quan trắc cảm biến (các chỉ tiêu PM2.5, PM10, CO, NO2, nhiệt độ, độ ẩm và áp suất theo yêu cầu của UBND Thành phố tại Văn bản số 5757/UBND-ĐT ngày 27/12/2019).

Sau khi được UBND Thành phố chấp thuận 50 vị trí địa điểm lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho Công ty THT để tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc cảm biến, sớm đưa vào vận hành phục vụ người dân, dự kiến hoàn thành trong quý I/2020. 

Hiện trạng 11 trạm quan trắc hiện có, 50 trạm cảm biến và 20 trạm cố định đang thực hiện đầu tư, mục tiêu đến hết năm 2020 thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện đồng bộ hệ thống 81 trạm quan trắc không khí trên toàn địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và nhu cầu theo dõi diễn biến chất lượng không khí của người dân Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp AFD và đơn vị tư vấn Pháp AirParif nâng cao năng lực quản lý hệ thống, dữ liệu quan trắc không khí tự động; nghiên cứu tiếp thu bài học kinh nghiệm đơn vị tư vấn Pháp đã triển khai thành công tại Paris và Bắc Kinh; dự kiến trong tháng 4/2020 sẽ tổ chức Hội thảo về đề xuất chương trình, kế hoạch hành động cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội.