Chất lượng Dạy tiếng Anh liên kết trong trường công: Ai chịu trách nhiệm?

ANTD.VN - Sau khi bị đánh giá là “thất bại” trong triển khai Đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 của Bộ GD-ĐT tính đến giai đoạn 2016, thì việc dạy tiếng Anh trong trường học lại bùng lên mô hình liên kết để cải thiện kỹ năng nghe nói, vốn là điểm yếu của cả giáo viên lẫn học sinh. Câu hỏi đặt ra là phụ huynh mất thêm tiền cho con học tiếng Anh, nhưng chất lượng ai đánh giá, ai chịu trách nhiệm?

Chọn mô hình liên kết chất lượng sẽ giúp cải thiện tốt môn tiếng Anh ngay từ hệ mầm non, tiểu học

Học phí mỗi nơi một kiểu

Khảo sát thực tế cho thấy, mức thu học phí dạy tiếng Anh liên kết trong các trường công lập của Hà Nội đang “trăm hoa đua nở”, trung bình 400.000 - 700.000 đồng/tháng/học sinh, có nơi lại chỉ 150.000 đồng/tháng/học sinh. Thậm chí, mức phí này ở ngoại thành có khi cao hơn nội thành như một trường mầm non ở Thanh Trì thu tới 400.000 đồng/tháng/học sinh, còn trường Tiểu học Kim Đồng, Ba Đình thu thấp nhất là 130.000 đồng/tháng/học sinh.

Trong khi đó, theo đại diện Trung tâm Ngoại ngữ Atlantic, mức thu 200.000 đồng/học sinh/ tháng của trung tâm này với học sinh trong các trường công lập đã là mức thấp nhất, không thể hạ thêm nếu muốn đảm bảo chất lượng. Vị đại diện trung tâm này chia sẻ, nếu trung tâm ngoại ngữ khác đưa ra giá chỉ bằng 1/2 chi phí này thì giáo viên chắc chỉ có thể lấy từ nguồn sinh viên tình nguyện, còn để có giáo viên đạt trình độ, chất lượng thì mức lương cao gấp 3 lần.  

Ngoài ra, tỷ lệ phân chia giữa trung tâm liên kết với các trường cũng rất nhiều mức: 60-40, 82-18, có nơi 93-7 (%). Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm) cho biết, trường có 33 lớp học tiếng Anh liên kết của Trung tâm Washington với 1.451/1.453 học sinh đăng ký theo học. Trung tâm này thu 180.000 đồng/học sinh, cắt  lại cho nhà trường 18% học phí nhằm hỗ trợ cơ sở vật chất, quản lý học sinh và các hoạt động chuyên môn, ngoại khóa liên quan đến bộ môn ngoại ngữ.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 38 trường THPT triển khai dạy học bổ trợ tiếng Anh, liên kết với 8 trung tâm ngoại ngữ. Bậc THCS có 145 trường, liên kết với 21 trung tâm. Bậc tiểu học có 652 trường, liên kết với 15 trung tâm và cấp mầm non có 215 trường, liên kết với 12 trung tâm. 

Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm) cho biết, trường này phối hợp với Trung tâm Việt Úc dạy tiếng Anh liên kết với 90% học phí trả cho trung tâm, 10% trả cho nhà trường. Còn tại trường Mẫu giáo Quang Trung (Hoàn Kiếm), Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hà chia sẻ, mức thu học tiếng Anh liên kết là 350.000 trẻ/tháng, trung bình 2 tiết/tuần. Trong số 40% học phí dành cho nhà trường, một nửa dành  cho cơ sở vật chất, nửa còn lại  cho đào tạo giáo viên.

Ngoài mức thu khác nhau, nhiều phụ huynh rất băn khoăn về chất lượng không đồng đều giữa các trung tâm vì không ít trung tâm đã bị đơn vị quản lý “tuýt còi”. Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã phát hiện một số trường hợp chưa đảm bảo như: Trung tâm Cambridge có hồ sơ không có giá trị pháp lý, không có hồ sơ công chứng; đơn vị Edusoft, sử dụng phần mềm của Malaysia trực tuyến chưa phù hợp với việc bổ trợ với chương trình chính khóa nên phải cho dừng; một chương trình khác có đội ngũ cán bộ chuyên môn không có nghiệp vụ sư phạm.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện chương trình tiếng Anh liên kết trường học của Language Link chất lượng cao, kinh phí cao nhưng lại chưa đảm bảo phân hoá học sinh, chưa có phiếu bài tập bổ trợ, nâng cao cho đối tượng học sinh có trình độ. 

Tuy nhiên, bà Vương Hương Giang cũng thừa nhận, với gần 10 trung tâm ngoại ngữ tham gia liên kết với các trường trên địa bàn quận trong khi Phòng GD-ĐT Hoàn Kiếm chỉ có 1 chuyên viên chuyên trách nên việc quản lý chất lượng chương trình, trình độ giáo viên, chất lượng giờ học rất khó khăn. 

Không thể phó thác cho trung tâm liên kết

Thực tế, ai cũng hiểu, nếu không phải hiệu trưởng đứng ra tổ chức liên kết với các trung tâm dạy tiếng Anh thì khó có chuyện 90 đến 100% học sinh đều đăng ký tham gia học như ở nhiều trường công lập của Hà Nội hiện nay. Thực trạng dễ nhận thấy là nhiều hiệu trưởng hiện nay có  trình độ tiếng Anh, chuyên môn dạy ngoại ngữ cũng như trình độ quản lý giáo viên người nước ngoài ở mức  hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý chất lượng giảng dạy liên kết trong nhà trường.

Nơi nào các cấp quản lý quan tâm, hiệu trưởng tâm huyết thì chất lượng tốt, nơi lơi lỏng thì việc dạy tiếng Anh coi như được khoán thẳng cho các trung tâm, mặc kệ học sinh có tiếp thu, tiến bộ hay không.

Đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng việc triển khai chương trình liên kết dạy tiếng Anh bao gồm trách nhiệm quản lý của Nhà nước và trách nhiệm quản trị của nhà trường. Về quản lý Nhà nước, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm về thẩm định chương trình của các trung tâm liên kết. Về quản trị nhà trường, hiệu trưởng phải  cam kết chất lượng với phụ huynh. Đây là  trách nhiệm của hiệu trưởng. Hiệu trưởng nào không đủ năng lực quản lý thì không khuyến khích triển khai liên kết dạy tiếng Anh.

Phân tích thêm về trách nhiệm của hiệu trưởng, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, chủ trương liên kết tiếng Anh đã đáp ứng đúng nhu cầu phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để phụ huynh thực sự yên tâm với chất lượng chương trình, ông Dũng đề nghị hiệu trưởng các trường phải căn cứ thực trạng nhà trường, mong muốn từ phụ huynh học sinh, tránh duy ý chí, chủ quan cá nhân khi quyết định mô hình liên kết dạy tiếng Anh.

Chất lượng dạy tiếng Anh liên kết thuộc trách nhiệm của hiệu trưởng. Các trung tâm chỉ có vai trò hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. “Để có cơ sở đánh giá chất lượng giảng dạy tiếng Anh liên kết trong trường học, trong tháng 4-2017, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ khảo sát ngẫu nhiên 20% học sinh tham gia chương trình liên kết tiếng Anh trên toàn thành phố”, ông Chử Xuân Dũng cho biết.

Cần có khung học phí cho dạy tiếng Anh liên kết

“Chúng tôi vừa tổ chức khảo sát toàn thành phố về liên kết dạy ngoại ngữ trong trường công lập ở Hà Nội. Căn cứ vào số lượng nhà trường từ mầm non đến THPT triển khai liên kết dạy tiếng Anh và số lượng học sinh tham gia thì thấy chương trình này đáp ứng đúng nhu cầu thực của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát cũng cho thấy một số tồn tại như phản ánh của báo chí về chương trình tài liệu chưa được kiểm định, về đội ngũ giáo viên bản xứ thiếu tính ổn định, đặc biệt là có quá nhiều mức học phí, trích “hoa hồng” cho nhà trường mỗi nơi một kiểu khiến phụ huynh thắc mắc.

Do vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội nên nghiên cứu khung học phí theo hai mức đại trà và nâng cao vì nếu không có định hướng sẽ xảy ra hiện trạng "trăm hoa đua nở", gây nhiều băn khoăn đối với mô hình liên kết dạy tiếng Anh trong nhà trường”.

Ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội

Nên thẩm định, xếp hạng trung tâm 

“Xã hội hiện đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc giảng dạy tiếng Anh cho con em mình. Cả Hà Nội có khoảng 15 đơn vị đang được Sở GD-ĐT cho phép liên kết với các trường trên địa bàn thành phố để giảng dạy ngoại ngữ. Với mức học phí rất chênh lệch, các cấp quản lý cần làm rõ thông tin, giúp phụ huynh yên tâm cho con em mình tham gia vào các chương trình này. Bên cạnh việc thẩm định chương trình của các trung tâm, nên chăng, Sở GD-ĐT Hà Nội có phương thức đánh giá, xếp hạng nào để phụ huynh căn cứ vào đó để xác định mức đóng góp phù hợp”.

Đỗ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội