Chất lượng đào tạo kém do “độc hành”

(ANTĐ) - Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các nước trên thế giới đều thống nhất coi nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh và bền vững của một quốc gia. Tuy vậy, thiếu sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, Nhà nước và doanh nghiệp, công cuộc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa có chiều hướng đột phá.

Chất lượng đào tạo kém do “độc hành”

(ANTĐ) - Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trí, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các nước trên thế giới đều thống nhất coi nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh và bền vững của một quốc gia. Tuy vậy, thiếu sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo, Nhà nước và doanh nghiệp, công cuộc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa có chiều hướng đột phá.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp sử dụng lao động
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp sử dụng lao động

Khó tìm lao động chất lượng cao

Đại diện Công ty Language Link, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cho biết, dù đã hoạt động hơn 10 năm ở Hà Nội nhưng khó khăn mà công ty gặp phải cho đến nay vẫn là vấn đề nguồn nhân lực. Việc tìm được đội ngũ nhân viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công ty rất hạn chế. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và chưa có sự chuyển biến tích cực.

Theo kết quả khảo sát của Sở GD-ĐT Hà Nội, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng rất nhanh. Nếu năm 2005, hơn 1.000 doanh nghiệp tuyển mới gần 4.500 người, thì năm 2007, khoảng 5.000 doanh nghiệp tuyển mới gần 31.000 người. Số lao động tăng chủ yếu trong các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, trong đó số lao động trong các khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để tuyển đủ các lao động có thể làm chủ được các công nghệ mới, sử dụng được tiếng Anh. Các khảo sát cũng cho thấy, nhiều đơn vị không năm nào tuyển đủ được số nhân sự bảo đảm chất lượng trong khi nhu cầu tuyển dụng trình độ CĐ, ĐH chiếm 32,68%, TC và công nhân kỹ thuật 46%, lao động phổ thông chiếm 27,9%.

“Độc hành” đào tạo nguồn nhân lực

Các cơ sở đào tạo, kể cả các cơ sở đào tạo thuộc doanh nghiệp, đều gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo của mình. Khó khăn lớn nhất là thu không đủ chi. Có trường cao đẳng ở Thái Nguyên tiến hành đào tạo khoảng 500 sinh viên chương trình trung cấp nghề trong 1,5-2 năm một số nghề cơ khí, điện, động lực... vì muốn đảm bảo chất lượng đầu ra (sản phẩm đào tạo), cũng chỉ ở mức tương đối, đã phải chịu “lỗ” hơn 500 triệu đồng. Trường đã phải lấy thu từ học phí đối với chương trình đào tạo ở nghề khác ít chi phí hơn (như kế toán, tin học...) để bù lỗ cho đào tạo các nghề nói trên. Đối với những ngành nghề được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí đào tạo thì do việc cấp kinh phí theo kiểu “cào bằng”, trong khi đó nếu thu học phí thì chỉ được thu rất thấp theo quy định của Nhà nước nên hầu như tất cả các cơ sở đào tạo rơi vào tình trạng thiếu quá nhiều kinh phí để chi cho đào tạo dẫn đến chất lượng sản phẩm đào tạo thấp. 

TS Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, muốn đào tạo chất lượng cao thì phải có tiền nhưng trường Hà Nội chỉ có được 13 tỉ đồng từ ngân sách mỗi năm trong khi trường có tới 50.000 học sinh, sinh viên. Như vậy mỗi tháng, số tiền dành để đào tạo 1 sinh viên chỉ hơn 20.000 đồng trong khi chi thực tế là hơn 400.000 đồng/tháng/SV.

Phải có sự tham gia đồng bộ

“Sản phẩm đào tạo đã và đang trở thành hàng hóa công cộng. Điều đó đang gây nhiều khó khăn, rào cản cho việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo” - ông Nguyễn Đức Trí khẳng định. Nói về những yếu tố liên quan đến thị trường nhân lực cần đề cập tới Nhà nước - nhà đào tạo - nhà sử dụng lao động. Về phía Nhà nước, tỉ lệ ngân sách dành cho giáo dục - đào tạo năm sau cao hơn năm trước nhưng việc cấp ngân sách đào tạo được tính bình quân theo đầu học sinh, sinh viên như nhau ở mọi ngành nghề không hợp lý. Việc “cào bằng” nguồn chi dẫn đến khó khăn lớn với các cơ sở đào tạo trong việc đáp ứng đủ chi phí thường xuyên để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo thực hành ở những ngành nghề kỹ thuật, công nghệ tiêu hao nhiều nguyên, nhiên, vật liệu.

Về phía doanh nghiệp, phần lớn các cơ sở chỉ trông chờ vào nguồn hàng hóa công cộng. Nếu các doanh nghiệp thay vì chỉ đòi hỏi các cơ sở đào tạo nói chung đáp ứng nhu cầu của mình họ nên xác định rõ vai trò tham gia của mình trong quá trình đào tạo thì “sản phẩm” được đầu tư này sẽ phù hợp hơn với nhu cầu nhà sử dụng. 

Rõ ràng chỉ khi có được sự tham gia đồng bộ từ phía Nhà nước và nhà sử dụng lao động và cơ sở đào tạo thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mới thực sự chuyển biến theo hướng tích cực.

Hầu hết nhân lực không sử dụng được ngoại ngữ

Hiện nay, TP Hà Nội đang quản lý 10 trường cao đẳng, 37 trường trung cấp chuyên nghiệp, 16 trường trung cấp nghề, ngoài ra còn có hệ thống các trung tâm dạy nghề thuộc các quận, huyện và các trung tâm đào tạo chuyên ngành. Quy mô tuyển sinh TCCN và CĐ của các trường Hà Nội 3 năm gần đây trung bình là 26.000 HS (22.000 TCCN và 4.000 CĐ), các trường TC nghề (hệ dài hạn) là 9.800 HS. Tuy nhiên, trình độ “đầu vào” của học sinh phần lớn còn hạn chế. Nội dung và phương thức đào tạo còn lạc hậu, chủ yếu theo điều kiện có của trường và nhu cầu người học chứ chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu của thị trường nhân lực. Điểm yếu của chất lượng đào tạo là hầu hết “sản phẩm” được đào tạo ra không sử dụng được ngoại ngữ, thậm chí không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của những vị trí công việc thông thường theo ngành nghề đào tạo.

Vinh Hương