Chất lượng công trình giao thông trọng điểm có vấn đề: Chưa tìm ra sai phạm

ANTĐ - Thời gian qua, chất lượng một số công trình giao thông trọng điểm được coi là “có vấn đề”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có quyết định “xử lý” một số lãnh đạo thiếu trách nhiệm. Thêm vào đó, trong ngày 1-12, Bộ trưởng Thăng đã ký quyết định thanh, kiểm tra 5 công trình giao thông trọng điểm.

Mặt đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM bị lún nứt hỏng nặng. Ảnh: TÂM PHONG

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết thêm, Bộ đã giao Cục Quản lý xây dựng chất lượng giám sát, kiểm tra chất lượng. Bước đầu xác định được một số nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường cao tốc Trung Lương-TP Hồ Chí Minh. Trong đó, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Xét về mặt  tổng thể thì công trình có mất chất lượng, nhưng cụ thể thì vấn đề không ảnh hưởng lớn tới công trình xây lắp. Theo ông Trường, sau cuộc thanh kiểm tra vào thời gian tới, trên cơ sở đó sẽ đưa ra giải pháp khắc phục và sớm có báo cáo trong thời gian sớm nhất. “Hiện, trách nhiệm cao nhất đối với DA này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Giám đốc Tổng công ty Cửu Long đình chỉ giám đốc DA. Bộ sẽ có đoàn kiểm tra, sau khi có kết luận sẽ tiếp tục xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan”, ông Trường cho biết.

Trong 5 dự án vừa được Bộ trưởng Thăng ký quyết định kiểm tra, có  sự hiện diện của dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Được biết, liên quan đến sự cố mặt cầu này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm. Song, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mặt cầu Thăng Long do dùng công nghệ mới, giải lớp bê tông nhựa trên mặt bằng thép. Trước đây, được làm bằng công nghệ của Liên Xô, sử dụng trong 20 năm, hiện, công nghệ này cũng không còn nữa. Do vậy, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ áp dụng công nghệ mới, tiên tiến của Việt Nam.

Ông Trường cũng nhìn nhận, sau một thời gian sửa chữa, đưa vào sử dụng, mặt cầu đã xuất hiện hư hỏng. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu nhà thầu, đơn vị chuyển giao công nghệ xử lý triệt để. “Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta vừa làm vừa vận hành nên khó đảm bảo về mặt chất lượng. Hơn nữa, mặt cầu đã sử dụng gần 30 năm, bản thép theo kiểm tra đã bị biến dạng, nên khi có gia tải lên bản thân mặt thép cũng bị biến dạng, dẫn đến dính bám giữa lớp bê tông nhựa và thép khó triển khai”, ông Trường phân tích. Theo đó, Bộ này đã mời các nhà khoa học trong lĩnh vực này đến kiểm tra. Ông Trường khẳng định, quá trình kiểm tra cho kết luận, không thấy sai phạm, không phát hiện tiêu cực trong dự án này. Vấn đề, chúng ta không làm chủ được công nghệ mới, và việc có hỏng hóc là điều phải chấp nhận. Thời gian qua  cũng như trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung tìm  giải pháp khắc phục là chủ yếu, chưa xem xét và đi đến quyết định kỷ luật hay kiểm điểm cá nhân, đơn vị nào, vì chưa phát hiện sai phạm trong thi công.

Còn đối với việc sụt lún trên mặt cầu Thanh Trì, một trong những dự án cũng sẽ được Bộ GTVT “mổ xẻ” trong thời gian tới, ông Trường cho biết, cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2006. Thời gian qua, mặt cầu xuất hiện hỏng hóc. Bộ GTVT đã giao Bản quản lý dự án Thăng Long kiểm tra nguyên nhân, mời Hội đồng nghiệm thu Nhà nước. Và kết luận đưa ra, mặt cầu chủ yếu bị trồi lún phần nhựa trên, phần móng không có vấn đề gì. Ông Trường lý giải: “Có thể do một số mẻ nhựa không đảm bảo chất lượng mới dẫn đến tình trạng trên. Hiện, Bộ này đang giao BQL DA  khắc phục”. Bên cạnh đó, ông Trường cho rằng, cầu Thanh Trì hiện phải gánh vác tất cả xe tải trọng nặng từ Hải Phòng đi qua cầu, nên chịu áp lực lớn. Cầu Vĩnh Tuy hiện chỉ phục vụ cho xe tải vừa, toàn bộ xe tải trọng lớn vẫn phải qua cầu Thanh Trì. “Không thể khẳng định, do kém chất lượng mới dẫn đến hiện tượng trồi sụt lớp nhựa, mà do trong quá trình khai thác một số vị trí phát sinh hỏng hóc, đơn vị quản lý đã kịp thời khắc phục”, ông Trường cho biết.