Chất dẻo liên quan với béo phì ở trẻ em

ANTĐ - Thật khó tưởng tượng nổi núm vú giả hoặc miếng tẩy xinh xắn lại khiến trẻ dễ bị béo phì.

Nhưng nghiên cứu mới cho thấy các hóa chất phthalate - có trong chất dẻo để chế biến núm vú giả và đồ chơi – làm tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em. Hóa chất di-ethylhexyl phthalate (DEHP) bị nghi ngờ là có thể làm thay đổi các chức năng sinh học liên quan tới chuyển hóa chất béo.

Trong nghiên cứu này, trẻ có nồng độ DEHP cao nhất có nguy cơ bị béo phì cao hơn gấp gần 5 lần so với trẻ có nồng độ DEHP thấp nhất.

Theo tiến sĩ Mi-Jung Park, chuyên gia nội tiết nhi và là giáo sư Trường Y thuộc Đại học Inje ở Seoul, Hàn Quốc, hóa chất này điều hòa có kiểm soát sự hình thành chất béo và chuyển hóa lipid.

DEHP có thể làm giảm hiệu quả của androgen (một hóc-môn sinh dục nam), giảm chỉ số khối cơ thể. Nó cũng có thể phá vỡ chức năng tuyến giáp, giữ vai trò trong việc tăng cân. Cản trở androgen hoặc hóc-môn tuyến giáp có thể tác động tới sự ngon miệng hoặc tốc độ chuyển hóa thức ăn.

Các nghiên cứu khác cho thấy mối liên quan giữa phthalate và sự phát triển vú ở trẻ trai, rối loạn sinh sản ở nam và trọng lượng sơ sinh thấp.

Các tác giả đã đánh giá nồng độ DEHP trong máu 204 trẻ từ 6 đến 13 tuổi; 105 trẻ được coi là béo phì và 99 trẻ có cân nặng bình thường. Những trẻ có chỉ số khối cơ thể cao hơn thường có nồng độ DEHP cao hơn. Nguy cơ béo phì tăng cùng với nồng độ DEHP cao không liên quan với mức hoạt động thể lực hoặc lượng calo họ hấp thu hàng ngày.

Park cho rằng cha mẹ nên hiểu rằng phthalate có thể thấy ở mọi nơi - trong thức ăn, nước, túi bằng chất dẻo và đồ đóng gói, mỹ phẩm, dầu gội đầu và đồ chơi. Phụ nữ mang thai, trẻ sinh non và trẻ nhỏ có thể đặc biệt nhạy cảm với hóa chất này. Đựng nước nóng hoặc thức ăn nóng vào đồ chứa làm bằng chất dẻo có thể rất nguy hiểm cho sức khỏe.