Chất cấm trong chăn nuôi: Cứ kiểm tra là ra vi phạm

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2015 sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Liệu điều này có khả thi khi việc nuôi trồng nhỏ lẻ vẫn ngoài tầm kiểm soát?

Chất cấm trong chăn nuôi: Cứ kiểm tra là ra vi phạm ảnh 1Cần dẹp tận gốc tình trạng mất ATTP

Không thể phớt lờ sức khỏe người dân

Cuối năm, tình hình ATTP lại “nóng” do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi không ít người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận đã phớt lờ sức khỏe người dân. Hàng loạt vụ sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện. Trong khi đó, rau củ quả Trung Quốc vẫn ùn ùn dội về các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Dù  thành phố vừa quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2015, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, việc kiểm tra mới chỉ giải quyết phần “ngọn”. Năm nào cũng có các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, từ cấp bộ, ngành tới địa phương, nhưng sau mỗi đợt ra quân thì tình hình vẫn không khả quan hơn. 

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong tháng 12-2014, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ hàng chục tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Gần đây nhất vào ngày 27-12-2014, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (Bộ Công an) đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh doanh, chất lượng vệ sinh ATTP tại một hộ kinh doanh ở chợ Hôm. Nhân viên của cơ sở này đang bơm chất lỏng không rõ nguồn gốc vào gà và sử dụng con dấu giả của Chi cục Thú y để đóng vào sản phẩm gà thịt. Bên trong cơ sở này, đoàn liên ngành phát hiện 514kg gà, chim bồ câu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không giấy kiểm dịch. Thông tin ban đầu, chủ cơ sở khai nhận, số gà trên chủ yếu được mua gom và nhờ người chở về từ chợ Hà Vĩ. Sau khi nhập về, gà gầy, gà xấu sẽ được bơm chất lỏng để trở nên bóng, đẹp và nặng cân hơn. Cùng ngày, một cơ sở kinh doanh gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Bạch Đằng cũng được phát hiện…

Chất cấm nguy hại vẫn tồn tại dai dẳng?

Mất ATTP trong rau quả cũng đã và đang khiến người dân lo ngại, đặc biệt là tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu cũng như thuốc bảo quản. Đáng nói, mặc dù năm nào các cơ quan chức năng cũng tăng cường lấy mẫu kiểm tra nhưng dường như không phát hiện được gì. Một lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội bày tỏ, chúng ta kiểm tra không phát hiện ra không có nghĩa là an toàn, vì chúng ta không biết họ sử dụng những hoạt chất gì. Do vậy, việc lấy mẫu kiểm tra vừa tốn thời gian, công sức và tiền bạc mà không mang lại hiệu quả. 

Trao đổi về thực trạng mất ATTP trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thẳng thắn nhìn nhận, qua kiểm tra, giám sát của bộ này cho thấy, tỷ lệ rau quả có hóa chất BVTV đang vượt ngưỡng, chiếm từ 5-6% và có những loại rau, quả, tỷ lệ này cao hơn. “Bộ NN&PTNT sẽ hành động quyết liệt để giảm tỷ lệ dư lượng thuốc BVTV vượt mức trong rau, quả và chè, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng”, ông Cao Đức Phát khẳng định. Theo đó, năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ gia tăng kiểm soát, thay đổi chức năng của các cục, vụ liên quan đến ATTP. Cụ thể, việc Cục BVTV vừa hướng dẫn người dân sử dụng thuốc lại vừa thực hiện chức năng giám sát sẽ không còn nữa .

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tình trạng sử dụng chất cấm, bơm nước vào trâu bò, lợn trước khi giết mổ để tăng trọng lượng cũng đã và đang khiến dư luận bức xúc. Cục Chăn nuôi đã kiểm tra tại 6 tỉnh trọng điểm chăn nuôi và tiêu thụ gia súc cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm vẫn tồn tại.

Về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Cao Đức Phát nhìn nhận, hiện có tình trạng người dân tự mua thuốc cấm về và trộn vào thức ăn gia súc để tăng trọng lượng. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà trộn kháng sinh, chất cấm vào thức ăn để bán hàng. “Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tăng cường giám sát ở địa phương để loại bỏ tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong năm 2015. Mục tiêu là số 0 trong sử dụng chất cấm chứ không phải ít hay nhiều. Vì đây là những chất nguy hại cho sức khỏe con người, nên chúng ta mới cấm sử dụng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.