Chất bị cấm trong xà phòng nguy hiểm như thế nào?

ANTD.VN - Liên quan đến việc đầu tháng 9 này Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức ban hành lệnh cấm với 2.100 sản phẩm xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm đang lưu hành trên thị trường có chứa 19 loại hóa chất, trong đó phổ biến nhất là triclosan, triclocarban, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu báo cáo về cục việc họ có hay không sử dụng 1 trong 19 hóa chất này trong thành phần sản phẩm xà phòng rửa tay tiệt trùng.

“Người tiêu dùng có thể nghĩ rằng các sản phẩm kháng khuẩn hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn vi trùng lây lan, nhưng chúng ta không có bằng chứng khoa học nào chứng minh chúng tốt hơn xà phòng và nước thông thường” - Tiến sỹ Janet Woodcock, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Dược phẩm thuộc FDA phát biểu trong một cuộc họp báo tại trung tâm.

Ông cũng cho biết, thực tế là, một số nghiên cứu cho thấy các thành phần kháng khuẩn gây hại về lâu dài nhiều hơn là có lợi. Theo đó, một số hóa chất diệt khuẩn có trong xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm lại có tác động không tốt cho sức khỏe. Chúng khiến các vi khuẩn kháng thuốc phát triển mạnh, gây ra các vấn đề sức khỏe bằng cách tiêu diệt các vi khuẩn có lợi sống trên cơ thể chúng ta, cũng như gây rối loạn hormone. Và sau khi bị xả xuống đường ống cống, các hóa chất này cũng gây nguy hại cho các loài động vật và thực vật. 

Chính vì lý do đó, đầu tháng 9 vừa qua FDA đã đưa ra quy định mới nhằm bảo vệ người dân Mỹ khỏi các loại hóa chất này. Theo đó, từ bây giờ, các công ty không được phép tiếp thị bất cứ loại chất tẩy rửa diệt khuẩn nào có chứa một hoặc nhiều hơn trong số 19 thành phần cụ thể được quy định.  FDA cho phép các doanh nghiệp đã sản xuất các sản phẩm liên quan có thời gian 1 năm để thay thế thành phần bị cấm trong sản phẩm, tính từ tháng 9-2016.

Khảo sát trên thị trường hiện nay, tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị, các loại xà phòng, nước rửa tay, sữa tắm cả trong nước và nhập khẩu có chứa thành phần triclosan, triclocarban khá nhiều. Các chủ hàng cho biết vì chưa nhận được thông báo gì từ các cơ quan chức năng cũng như hãng nên các sản phẩm này vẫn được mua bán bình thường. 

Về tác dụng cũng như tác hại của các chất bị FDA cấm, PGS.TS Trần Hồng Côn - khoa Hóa, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho biết: Hai hợp chất triclosan và triclocarban được sử dụng như một loại thuốc diệt khuẩn, có thể gây ung thư, rối loạn hormone trong cơ thể, gây các vấn đề sức khỏe, từ vô sinh đến khiếm khuyết trong phát triển não và chức năng tim mạch. Tuy vậy, PGS Trần Hồng Côn cho rằng những tác hại này chỉ xảy ra khi người dùng uống trực tiếp hợp chất này vào cơ thể, còn khi rửa tay, rửa chân, triclosan và triclocarban chỉ có khả năng thẩm thấu qua da nên rủi ro thấp, người tiêu dùng không nên quá lo lắng.

Dù vậy, việc FDA cấm các hóa chất này là đúng, vì hiện tại có hơn 200 hợp chất hữu cơ để diệt khuẩn, do đó, những chất có khả năng gây ung thư bị cấm để thay thế bằng những hợp chất khác có tính năng diệt khuẩn tương tự nhưng lại an toàn hơn là điều dễ hiểu. Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý cũng nên có những câu trả lời cụ thể trong việc có nên cho phép sử dụng 2 hoạt chất này trong xà phòng diệt khuẩn hay không.

Về vấn đề này, Cục Quản lý dược cho biết, Việt Nam hiện tham gia hiệp định chung với các nước ASEAN về quản lý mỹ phẩm nên danh mục hóa chất bị FDA cấm sử dụng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị chung vào tháng 11 tới nhằm có biện pháp ứng xử với các sản phẩm tại Asean và Việt Nam có các chất trong số 19 chất đã bị phía Mỹ cấm.

Danh sách các chất mới bị FDA cấm trong xà phòng: Cloflucarban, Fluorosalan, Hexachlorophene, Hexylresorcinol, Iodophors (Iodine-containing ingredients), Iodine complex (ammonium ether sulfate and polyoxyethylene sorbitan monolaurate), Iodine complex (phosphate ester of alkylaryloxy polyethylene glycol), Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine, Poloxamer - iodine complex, Povidone-iodine 5 to 10 percent,  Undecoylium chloride iodine complex, Methylbenzethonium chloride, Phenol (greater than 1.5 percent), Phenol (less than 1.5 percent), Secondary amyltricresols, Sodium oxychlorosene, Tribromsalan, Triclocarban, Triclosan, Triple dye.