Chấp nhận tăng chậm lại

ANTĐ - Lần đầu tiên trong hai năm, lạm phát đã giảm còn một con số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế có chậm lại nhưng trong xu hướng ổn định. Các chính sách kinh tế vĩ mô cần thận trọng để củng cố những thành quả đã đạt được, bởi vì vẫn còn nguy cơ suy giảm niềm tin về sự ổn định kinh tế khi thanh khoản tại những ngân hàng yếu kém tồn tại. Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng dự trữ ngoại hối, ngay cả phải chấp nhận tăng trưởng có thể chậm hơn. Đó là thông điệp của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ vừa kết thúc.

Theo số liệu thống kê, nền kinh tế đã phát đi những tín hiệu “thoát đáy” khá rõ ràng. Tốc độ tăng GDP quý II-2012 ước tính đạt 4,5% cao hơn quý I. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp, ngành đầu tàu, động lực của tăng trưởng và có tỷ trọng cao nhất đã tăng lên 4,2%. Xuất khẩu hàng hóa đạt tốc độ tăng cao, trong 5 tháng đầu năm tăng 24,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng có xu hướng tăng cao, lên hơn 6,6%.

Đáng lưu ý, việc điều chỉnh lương tối thiểu liên quan tới hơn 6 triệu người cũng góp phần làm tăng sức mua của người dân. Nhìn vào tốc độ thoát đáy vượt dốc đi lên của nền kinh tế, theo dự đoán của các chuyên gia trong nước và quốc tế, nếu tốc độ tăng GDP quý II là 4,5%, thì tốc độ tăng 6 tháng cuối năm chỉ đạt khoảng 4,3%. Như vậy, muốn đạt tốc độ tăng cả năm 6% theo mục tiêu, thì 6 tháng còn lại phải đạt 7,7%. Đó là con số rất cao, nếu không có những biện pháp quyết liệt thì không thể đạt được.

Theo phân tích trong báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam” vừa được công bố, tuy không mong đợi nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại đã khiến Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến những lĩnh vực kinh tế kém hiệu quả và áp dụng nhiều biện pháp cải cách. Nếu không có sự suy giảm kinh tế thì vấn đề kia có thể trở nên trầm trọng hơn. Sự suy giảm tuy là một tiến trình thách thức và căng thẳng trong ngắn hạn, song lại giúp đạt được tiến bộ qua những biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua. Khi nhận thấy tăng trưởng tín dụng dẫn đến sự bất ổn về kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng trong những năm gần đây.

Bản báo cáo đánh giá, việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện chất lượng tăng trưởng là một bước đi đột phá theo đúng định hướng tháo gỡ những “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhận xét của Ngân hàng Thế giới, suy giảm kinh tế làm cho tốc độ giảm nghèo của Việt Nam chậm lại và những rủi ro mới nổi lên. Hàng chục nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường, hàng chục nghìn người lao động mất việc làm, nhiều người phải chấp nhận đồng lương còi cọc. Điều tra mức sống hộ gia đình mới đây cho thấy, chuẩn nghèo do Tổng cục Thống kê và WB sử dụng thấp hơn so với chuẩn quốc tế. Theo đó, khoảng 20,7% dân số sẽ thuộc diện nghèo, nghèo ở thành thị là 6% và ở nông thôn là 27%.

Khi kinh tế suy giảm, tăng tưởng chậm lại thì mới bộc lộ những bất cập, yếu kém. Vậy thì chấp nhận tăng chậm lại để giải quyết những tồn tại, còn hơn là tăng trưởng nhanh mà chất lượng không bền vững.