Chấp nhận rủi ro

ANTĐ - Khu phố nọ tổ chức chương trình quyên góp quần áo và đồ dùng học tập cho một trường học nghèo trên vùng núi cao hẻo lánh.

Ông Peter, một thợ mộc nghèo sống trong khu phố, không có gì để quyên góp nên ông đóng các thùng gỗ để đựng đồ chuyển đi. 

Công việc xong xuôi, ông Peter rất mãn nguyện nhưng khi về đến nhà ông tìm mãi không thấy cái kính của mình đâu. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông cũng nhớ ra rằng khi ông mải đóng thùng, có thể chiếc kính đã tuột ra khỏi túi áo và rơi vào một trong những chiếc thùng lúc nào không hay. Giờ những chiếc thùng đã được đóng kín để hôm sau lên đường, không thể tháo ra để tìm được nữa. Ông Peter ngậm ngùi tiếc của, ông phải đắn đo mãi mới dám mua chiếc kính ấy vì chiếc kính cũ đã không thể sử dụng được nữa. 20 đô la với ông là rất lớn vì ông nghèo nhưng ông cũng chẳng dám nói chuyện này với ai và nhờ ai giúp đỡ cả.

Một tháng sau, ông hiệu trưởng trường học ấy gửi thư cảm ơn đến khu phố, tổ trưởng dân phố đã đọc to bức thư ấy cho mọi người nghe, phía tái bút có đoạn viết: “Tôi cũng hết sức biết ơn mọi người vì chiếc kính. Chiếc kính của tôi vừa bị vỡ, tôi rất tuyệt vọng vì không có điều kiện thay được vì vậy tôi không nhìn thấy rõ và thường xuyên bị nhức đầu. Chiếc kính thật đúng số và như được làm riêng cho tôi vậy. Tôi lại nhìn được rõ để lên lớp giảng bài cho các em. Tôi vô cùng biết ơn”.

Mọi người nghe xong đều vui dù ai cũng bối rối vì chiếc kính không nằm trong danh sách đồ gửi đi, mọi người nghĩ rằng ông hiệu trưởng đã nhầm với nơi quyên góp khác. Chỉ có ông Peter là biết rõ, ông trào nước mắt vì chưa bao giờ ông lại cảm thấy vui mừng khi bị mất đồ như lần này.

Có những sự việc chúng ta tưởng như không may xảy ra với mình nhưng cũng có thể, theo một cách khác, nó lại hữu ích hay ý nghĩa cho người khác. Vì thế hãy cứ vui sống và chấp nhận mọi việc xảy ra như cuộc sống vốn vậy.