Nhà viết kịch Trần Đình Văn:

Chấp nhận nghèo khó để theo nghiệp tổ

ANTĐ - Một tháng đã trôi qua kể từ ngày nhà viết kịch Trần Đình Văn ra đi, bạn bè, đồng nghiệp mới có dịp ngồi lại và cóp nhặt các tác phẩm của anh để tổ chức đêm nghệ thuật “Nhớ mãi một thời”. Đêm nhạc là những cảm xúc và nỗi nhớ về một người bạn, một người sẵn lòng sẻ chia cùng đồng nghiệp những niềm vui, nỗi buồn.  

Xuất hiện những điều bất ngờ

Có những điều mà đến khi tổ chức chương trình “Nhớ mãi một thời”, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam mới được biết về Trần Đình Văn, dù anh đã về công tác tại Nhà hát hơn 10 năm. Trong đêm nghệ thuật “Nhớ mãi một thời” vừa diễn ra vào tối 10-5, có rất nhiều sinh viên biểu diễn thiện nguyện trong chương trình và nhiệt tình tham gia giúp đỡ BTC hoàn thành đêm nhạc. Điều đó bắt nguồn từ những năm tháng Trần Đình Văn còn khó khăn, nghèo khổ nhưng anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đặc biệt là Hội sinh viên tình nguyện hiến máu nhân đạo Hà Nội. Dấu ấn anh để lại trong các bạn sinh viên đầy sâu đậm.

Chấp nhận nghèo khó để theo nghiệp tổ ảnh 1

Một điều bất ngờ khác cũng được tiết lộ trong đêm nghệ thuật, đó là bạn bè cũng chỉ biết anh sáng tác chèo chứ không ngờ anh còn sáng tác cả ca khúc và làm thơ. Với “Cô giáo về bản”, “Nhớ mãi một thời”, “Vọng lời mẹ ru”, người nghe như được trở về thưở tung tăng cắp sách đến trường của Trần Đình Văn. Khi ấy, anh cùng các bạn từ khắp các huyện trong tỉnh Hải Hưng, xa gia đình hội tụ dưới mái trường phổ thông năng khiếu, cùng nhau sống và học tập trong khu nội trú. Ăn còn thiếu, mặc còn rét, họ sẻ chia cho nhau từng bắp ngô, củ sắn, giúp đỡ nhau từng trang giấy, cây bút.

Những lúc rảnh rỗi, anh ôm đàn guitar bắt nhịp cho mọi người cùng hát bài “Tự nguyện”. Hay trong một lần tiếp xúc với các nữ sinh trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo Trung ương, trân trọng trước ước nguyện mộc mạc của một nữ sinh: “Quê em ở vùng cao, học xong em sẽ trở về mang kiến thức truyền dạy cho các em nhỏ”, Trần Đình Văn đã sáng tác ca khúc “Cô giáo về bản”.

Chấp nhận nghèo khó để theo nghiệp tổ ảnh 2

Tiểu phẩm hài “Chuyện tình của người lính” đã cho thấy cái nhìn hóm hỉnh của
Trần Đình Văn

Giữ vẻ đẹp thuần khiết của chèo 

Trước khi trở thành một tay bút có tiếng trong giới viết chèo, hiếm người biết rằng, Trần Đình Văn từng trải qua thời gian khó, nghèo khổ và chấp nhận làm nhiều công việc khác nhau để bám trụ với nghiệp tổ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, khoa Biên kịch, Trần Đình Văn đã bắt đầu sự nghiệp tại Nhà hát Chèo Việt Nam bằng các công việc như đi căng biển quảng cáo, hậu đàn, kéo cảnh… Tất nhiên, không phải đến lúc này, anh mới bắt đầu sự nghiệp viết kịch bản. Ngay từ khi mới ra trường, Trần Đình Văn đã kết hợp với Nhà hát Chèo viết các vở truyền thống. 

Là con trai của “vua chèo” - Trần Đình Ngôn, hơn ai hết, anh hiểu những khắc nghiệt của nghề viết từ trải nghiệm của cha mình. Có những giai đoạn, kịch bản Trần Đình Văn viết ra chỉ để "cất ngăn kéo" vì không hợp thị hiếu đương thời. Nhưng dù viết kịch bản dài hay ngắn, một làn điệu hay một tổ khúc chèo thì Trần Đình Văn vẫn luôn giữ được sự cẩn trọng trong cách dùng từ, nét bay bổng trong lối văn chương khoáng đạt và cao hơn là tấm lòng yêu thương, bao dung độ lượng của tác giả.

Xuyên suốt trong các tác phẩm của Trần Đình Văn là sự kỳ công để giữ gìn vẻ đẹp thuần khiết của nghệ thuật chèo. Đặc biệt, với các tiểu phẩm hài được trình diễn trong đêm nghệ thuật “Nhớ mãi một thời”, khán giả còn được thấy đằng sau vẻ bề ngoài trầm lắng, đằng sau cặp kính cận dày cộp là một cách nhìn đời trong sáng, ý vị, hóm hỉnh. 

Nhưng tiếc thay, khi đang ở độ chín và được đánh giá là tác giả trẻ sung sức nhất của sân khấu chèo hiện nay với hàng chục tác phẩm sân khấu được các nhà hát chèo đặt hàng sáng tác, Trần Đình Văn lại vội vã ra đi.