“Chấp chới”…tội danh

ANTĐ - “Pháp luật như mực thước”, điều này chẳng có gì phải bàn. Thực tế trong công tác xét xử vẫn luôn có những vụ án mà ở đó việc áp dụng tội danh, khung hình phạt đối với bị cáo không phải lúc nào cũng dễ dàng và thật sự chuẩn xác.

“Chấp chới”…tội danh  ảnh 1
Xử đúng người, đúng tội mới đủ sức răn đe
(Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Văn Quân trong phiên xử về tội giết người mới đây)

Khó định tội

Tối một ngày tháng 8-2010, Vũ Văn Thắng (SN 1990), Hoàng Văn Toàn (SN 1993), Vũ Văn Thuận (SN 1992) đều trú ở xã Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội cùng một số đối tượng chở nhau bằng xe máy đi chơi. Nhóm Thắng bất ngờ gặp hai thanh niên cùng trú ở huyện Mỹ Đức đi xe máy cùng chiều vượt lên phía trước. “Ngứa mắt”, Thuận hò cả hội phóng xe đuổi theo để đánh.

Trong lúc đuổi theo, Toàn ngồi phía sau Thắng đã thò tay sang túm áo hai thanh niên này khiến hai xe máy va vào nhau và cùng lao xuống mương nước. Ngồi phía sau, anh Hoàng Văn Mạnh (SN 1990) bị hất văng xuống đường và đập đầu vào cột mốc, dẫn đến tử vong. Với hành vi này, Thắng, Toàn và Thuận cùng bị VKSND truy tố về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93-BLHS. Mới đây, TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử và lần lượt tuyên phạt các bị cáo từ 7 đến 20 năm tù giam theo tội danh truy tố… Nhìn vào vụ án này có thể thấy giữa các bị cáo và nạn nhân không hề quen biết hay có mâu thuẫn, xích mích gì. Việc nhóm Thắng có hành vi trên hoàn toàn chỉ mang tính bột phát. Quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều khẳng định không có ý đồ giết hại nạn nhân mà chỉ định đánh để thể hiện sự “yêng hùng”.

Theo một số luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, xét về yếu tố tâm sinh lý của các bị cáo cũng phần nào lý giải được hành vi phạm tội của họ. Bởi cả 3 đối tượng đều đang ở độ tuổi rất trẻ, ít học thức và không được gia đình giáo dục, quản lý tốt. Tuy gây hậu quả đối với sức khỏe, tính mạng con người, song hành vi trên chưa đủ sơ sở chứng tỏ chủ thể của tội phạm có động cơ giết người. Trường hợp nếu nạn nhân không bị tử vong, chắc chắn các bị cáo sẽ không bị quy kết về tội giết người… Ngược lại, khi đối tượng gây án có động cơ, mục đích rõ ràng và sử dụng hung khí nguy hiểm thì cho dù nạn nhân không chết cũng sẽ vẫn bị quy kết tội giết người. Vì thế một số luật sư cho rằng, trong vụ án này chỉ nên áp dụng tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người đối với các bị cáo.

Buộc tội dễ, cứu người khó

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Văn phòng Luật sư Hằng Nga - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, buộc tội một con người rất dễ, nhưng giúp họ nhìn nhận ra lỗi lẫm, từ đó cải tạo thật tốt để trở thành người lương thiện mới thật sự gian nan. Chỉ khi tội danh và hình phạt được áp dụng một cách chuẩn xác, thuyết phục thì nó mới mang giá trị cảm hóa cao. 

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga còn canh cánh mãi về vụ án Nguyễn Văn Quân (SN 1985, trú ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cùng đồng bọn phạm tội giết người đã được đưa ra xét xử cách đây ít lâu. Vụ án khởi nguồn vào đêm 31-5-2011, khi đó anh Ngụy Văn Bình (SN 1987, trú tại xã Tân An, Yên Dũng, Bắc Giang) đến quán Internet của Quân tìm bạn gái trong tình trạng ngà ngà men rượu. Trong lúc cãi lộn với bạn gái tại đây, anh Bình lỡ tay đánh đổ chai nước ngọt vào máy tính. Bị chủ quán nhắc nhở giữ trật tự, nhưng anh Bình vẫn lớn tiếng và gây rối. Hai bên lời qua tiếng lại, dẫn đến chủ quán Internet cùng cháu họ anh ta và người hàng xóm xông tới đánh, đâm anh Bình vào đùi. Do mất máu cấp, nạn nhân tử vong. Ngay sau đó, Quân cùng các đối tượng bị xét xử về tội giết người với tính chất côn đồ… Theo luật sư Nga, việc quy kết các bị cáo phạm tội như vậy là quá nặng so với hành vi mà họ gây ra. Bởi có một điều rất rõ là nếu bị hại không quậy phá quán Internet thì vụ án sẽ không xảy ra. Đó là chưa kể diễn biến vụ án thể hiện hai bị cáo đồng phạm chỉ tham gia đánh anh Bình gây thương tích chứ không hề hay biết việc Quân chạy vào nhà lấy dao đâm nạn nhân.

Những vụ án nêu trên chỉ là ví dụ nhỏ, ít nhiều thể hiện sự “chấp chới” trong việc định tội danh. Nhìn rộng ra bất kỳ một vụ án nào cũng vậy, trước khi kết tội bị cáo cần phải soi xét mọi tình tiết liên quan. Bởi sẽ chẳng bao giờ có được một bản án thấu tình, đạt lý và hợp lòng người nếu hành vi khách quan, ý thức chủ quan, nguyên nhân, động cơ cũng như hậu quả của hành vi… không được chứng minh một cách tường tận.