Chào và hỏi

ANTĐ - Câu tục ngữ “tay bắt mặt mừng” ý rằng lâu không gặp nhau, vẫn nhớ nhau nên mừng rỡ nhìn mặt nhau nắm tay nhau, không giống “bắt tay” theo phép chào hỏi của người châu Âu. 
Chào và hỏi  ảnh 1
Nét đẹp Người Hà Nội. Ảnh: PHÚ KHÁNH
Tuy nhiên, việc bắt tay là một thói quen ngoại nhập đã được Việt Nam hóa và phổ biến hợp với “tay bắt mặt mừng” của ta. Phong tục chắp tay chào hỏi của ta đã có từ lâu. Ðón khách hay tiễn khách, chủ nhà bước ra, hai bàn tay úp chắp nhẹ nhàng vào nhau, hơi cúi đầu.
Hai chữ chào và hỏi nghĩa là: chào người trên, người ngang vai và hỏi người dưới. Không chào người dưới, nhưng thường ngỏ lời khéo và thân: Thế nào, hồi này con (chú, cháu) có khỏe không, vẫn đi học chứ? Chào hỏi là bước giao tiếp đầu tiên và quan trọng vì người gặp sẽ nhớ mãi cử chỉ ấy, cho nên, đã có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”. 
Ở trong nhà thì “đi hỏi về thưa” với các bậc trên, ông bà, bố mẹ, các anh chị. Về nhà hay ra khỏi nhà, đều chào hỏi, thưa gửi. Ngoài đường, trong làng hay trong phố cũng thế, họ hàng, láng giềng và quen biết đều chào hỏi nhau. Với các cụ ông cụ bà, các vị cao tuổi miễn là biết mặt, biết tiếng, đều lễ phép chào hỏi. Ðương đi nhanh, bước chậm lại, dừng lại, chắp tay (trẻ con, học sinh thì khoanh tay) cất tiếng chào.
Khi nói, khi chào, không nói cộc lốc, trống không. Nói như thế, chào như thế, thà không chào, vì thế là ăn nói vô lễ.

Bây giờ chểnh mảng nhiều. 

(Trích “Chuyện cũ Hà Nội”, nxb Hà Nội - Tựa đề do ANTĐ đặt)

Chuyện buồn bây giờ mới kể
Dạo rét đậm cuối năm ngoái, chúng tôi đi công tác ở Quảng Ninh về. Đói, nhớ bát phở Hà Nội, nên quyết định không ăn cơm dọc đường mà cố về quán phở có tiếng ở đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên.

Đây là quán phở cơ sở 2, quán chính ở phố HM, bên quận Hoàn Kiếm. Bốn bát phở được bê ra nóng rẫy. Mọi người háo hức sì sụp. Chợt bạn tôi chững người, lè lưỡi kêu lên: “Eo ôi, phở có mùi gì kinh thế…”.

Mọi người tròn mắt khi thấy mẩu đầu lọc thuốc lá bập bềnh trong bát phở.

Anh bạn tôi gọi: “Bà chủ quán ơi, xem cho tôi bát phở này”.

Bà chủ quán trạc gần 40 tuổi, to béo đang ngồi phía ngoài nói chuyện với một người đàn ông đeo chiếc dây chuyền to tướng.

Cầm bát phở lên, nhìn rõ cái đầu mẩu thuốc lá thâm sì, bà chủ quán quay lại phía cậu bé (chắc là bán hàng thuê), mắt quắc lên: “Đ… mẹ mày, đổi bát khác”.

Nói xong bà ta đi thẳng ra phía ngoài tiếp tục câu chuyện với người đàn ông nọ. Không một lời giải thích, không một lời xin lỗi.

Chúng tôi bỏ, không ăn, trả tiền ra xe mà lòng dạ bốc lửa. Chẳng lẽ lại làm ầm lên... Nhịn mãi đến hôm nay xin kể lại với quý vị: Hà Nội ta có những việc, những người… kinh khủng như thế đấy ạ.

Tuệ Minh
LTS:  Tòa soạn ANTĐ nhận được bức thư của một cụ bà, xưng là cựu nữ sinh Đồng Khánh. Thư mở đầu bằng những lời đáng chú ý: “Chứng kiến bao lần Thủ đô chìm trong khói lửa, tôi không thấy đau bằng việc văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang mai một đi nhiều quá. Rồi khi lớp người như chúng tôi không còn nữa, biết có còn giữ được nếp xưa?”. Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong đầu những người làm báo nặng chữ “tình” với đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, để rồi chúng tôi quyết định mở chuyên mục này. Bởi nói như một nhà sử học - mất đi bản sắc văn hóa là mất lớn lắm! Chuyên mục như một góc nhỏ nhằm giữ lại được chút vốn quý từng làm sáng danh Người Hà Nội. 
Bạn đọc, bạn viết của ANTĐ thân mến! Là những người cũng có cùng một tình cảm với Thủ đô, mời bạn tham gia chuyên mục “Người Hà Nội và văn hóa ứng xử”. Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện chân thực và giản dị mà bạn gặp trong cuộc sống, chuyện gia đình, chuyện ngõ phố, chuyện giữa đường, bên chợ, để cùng nhau khơi lại, và giữ gìn nét đẹp này.