Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Nhiều thẩm phán còn nể nang, thiếu bản lĩnh khi tuyên án"

ANTD.VN - "Nguyên nhân vụ án kéo dài, trả lại nhiều lần do chất lượng điều tra vụ án và do thẩm phán có người còn nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chỉ ra.

Sáng 18-11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Có vụ án trả đi trả lại tới 7 lần, kéo dài 10 năm chưa xong

Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) nêu thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự hiện nay không ít, có vụ bản án sửa đi sửa lại tới 7 lần, kéo dài gần 10 năm nay đang trở lại sơ thẩm từ đầu không biết bao giờ mới có bản án đúng luật. “Trách nhiệm của ngành ở đâu và biện pháp giải cứu?”, ĐB Nguyễn Chiến chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Chiến chất vấn 

Trả lời vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận thời gian qua có một số vụ tòa án trả tới trả lui nhiều lần, cá biệt có vụ trả tới 7 lần như đại biểu nêu. Thống kê năm 2017 có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó có 9 vụ trả 5 lần và 1 vụ trả 7 lần. Tới thời điểm này đã trả bổ sung hơn 2.000 vụ án.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi xét thấy chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm, xét thấy bỏ lọt tội phạm hoặc có dấu hiệu bị oan. Đây là chế định luật cho phép.

"Nguyên nhân vụ án kéo dài, trả lại nhiều lần là do chất lượng điều tra vụ án và do thẩm phán có người còn nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án", Chánh án chỉ ra và cho biết giải pháp khắc phục là ngành tòa án sẽ quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định, không được trả quá nhiều lần theo quy định của luật.

"Trong trường hợp không đủ yếu tố kết luận thì buộc phải tuyên không đủ yếu tố kết tội", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Về phát triển án lệ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đến nay mới công bố 13 án lệ, còn khoảng chục bản án nữa đang được xin ý kiến Hội đồng thẩm phán quốc gia.

13 bản án đầu tiên chưa được nhiều người áp dụng ngay, nhưng có những bản án đã được áp dụng. 

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: "Nhiều thẩm phán còn nể nang, thiếu bản lĩnh khi tuyên án" ảnh 2

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn sáng 18-11

Đã công khai 32.318 bản án

Về công khai bản án trên mạng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, giải pháp đột phá này được áp dụng từ năm 2017 và có nhiều tác dụng. 

Thứ nhất, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; đây cũng là chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của toà là công khai. 

Thứ hai, đánh giá được trách nhiệm thẩm phán khi đặt bút ký bản án thì sau đó vài ngày đông đảo người dân sẽ biết. Đây cũng là cơ chế để người dân giám sát bản án, đánh giá chất lượng thẩm phán. 

Đến nay Tòa án nhân dân tối cao đã công bố được 32.318 bản án. Từ tháng 9 đến nay có gần 1,4 triệu người dân truy cập và nhận được ý kiến của người dân góp ý cho hơn 1.600 bản án, đa số là đánh giá tích cực.

Trước băn khoăn của đại biểu Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam) về việc công bố như trên có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư của công dân hay không, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, Tòa án đã ban hành Nghị quyết sẽ không công khai bản án liên quan tới an ninh quốc gia, bản án liên quan tới trẻ vị thành niên..., và phải mã hóa tên những người liên quan trong bản án. 

"Bí mật đời tư của người dân được đảm bảo", Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.