Chàng trai trong thân xác cô gái xinh đẹp chia sẻ về những rung động bản năng

ANTĐ - Nếu bạn biết rằng những người thuộc giới tính thứ ba chiếm đến 5% dân số thì có lẽ hàng ngày bạn vẫn gặp họ đấy, chỉ có điều bạn gặp một con người “giả dối” của họ thôi. Không phải ai cũng dũng cảm như Chu Thanh Hà, biết xé bỏ vỏ bọc của một cô gái đẹp để lộ diện là một chàng trai mạnh mẽ.

Người thuộc giới tính thứ ba nên lộ diện để sống đàng hoàng hơn

Tìm ra giới tính của mình từ một bộ phim

Chu Thanh Hà khi sinh ra được dán nhãn một cô gái. Và thật quả dù giờ đây Hà ăn mặc như con trai thì người ta vẫn có thể nhận ra rằng nếu Hà mặc áo dài hay váy, nuôi cho mái tóc dài lại thì Hà không chỉ đẹp mà còn rất cá tính. Tuy nhiên, trong khi bao nhiêu cô gái mong có một hình hài mềm mại thì đó lại là nỗi đau của Hà. Vì tâm hồn Hà là một người đàn ông. “Tôi không biết chuyện thực sự bắt đầu từ đâu, vì ai sinh ra cũng đã mặc định theo những quy chuẩn nhất định của xã hội, rằng con gái thì thích con trai và đó là điều tự nhiên. Tuy nhiên không phải trên đời chỉ có một điều tự nhiên mà thực ra có nhiều điều tự nhiên khác nhau. Tôi phát hiện ra điều tự nhiên thực sự của mình khi xem một bộ phim nước ngoài tên là “Saving Face” (tạm dịch là Giữ Thể diện), trong đó kể về tình bạn của một cô bác sỹ và một nữ diễn viên ba lê”.

Theo lời kể thì lúc đó Hà đã 18 tuổi, cũng là khá muộn để một người nhận ra vẻ ngoài và tâm hồn của mình không hề ăn khớp. Trước đó, trong thời gian học phổ thông, theo lẽ thường Hà cũng có những rung động giới tính nhất định nhưng cũng như bao đứa trẻ khác, chưa hiểu tình yêu là gì và tình dục thì lại càng không. “Tôi thấy mình rất yêu quý một bạn gái và rất buồn khi bạn ấy chuyển trường và không còn liên lạc với nhau nữa, nhưng cũng chỉ nghĩ đấy là do yêu quý quá mà thôi. Tuy nhiên có một điều mà tôi nhận thấy rất rõ đó là tôi không thích con trai, không có những xúc động giới nào thay đổi khi tiếp xúc với con trai cả”.

Cho đến khi nhìn thấy cảnh hai diễn viên nữ cùng nằm trên giường và đắp chung một cái chăn, Hà bị thu hút bởi khung cảnh đó. Cũng là bản năng tự nhiên của một con người Hà đã trông chờ một cái gì đó xa hơn, tuy nhiên cảnh sau đó bị cắt bỏ. Hà bị ám ảnh trong nhiều tháng, tuy nhiên cố đợi cho đến khi thi đỗ đại học Hà mới tìm lại bộ phim đó trên mạng để xem.

“Quả là đúng như bản năng mách bảo, bộ phim diễn ra đúng như tôi đã nghĩ về sự gần gũi giữa hai con người về mặt thể xác. Tôi nhìn thấy một phần con người của mình trong đó và rồi bắt đầu nối kết lại những gì đã từng xảy ra với mình khi còn nhỏ, khi tôi luôn có xu hướng thích mặc đồ con trai, cắt tóc ngắn và tình cảm tôi dành cho bạn gái ấy. Từ thời điểm đó tôi vừa sợ hãi vừa nghiêm túc tìm hiểu về những rung động dục tính của mình”.

Từ dằn vặt về bản năng giới đến lộ diện

Khác với rất nhiều người thuộc giới tính thứ ba tại Việt Nam sống trong bóng tối và khá thiếu thận trọng khi tìm hiểu về giới tính thực của bản thân và tìm cách chuyển giới, thì Hà lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Để xác định được giới tính thật sự của mình Hà mất đến 5 năm nhưng là 5 năm sống an toàn, yêu và rung động như bao người khác.

Phải nói rằng hiếm có người đàn ông nào có thể vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng và ân cần như Hà. Từ bé Hà chọn cách sống cùng ông bà chứ không sống cùng bố mẹ, vì Hà không thấy hạnh phúc trong một gia đình có người cha nghiện rượu. Hà không chịu nổi khi nhìn thấy phụ nữ khóc và Hà muốn làm mọi điều có thể để nhìn thấy người mình yêu hạnh phúc. Có phải vì vẫn mang trong mình hình hài và chút tính cách của một cô gái mà Hà ân cần được thế chăng? 

Tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, chẳng mấy ai thuộc giới tính thứ ba khi lộ diện mà được sự ủng hộ của gia  đình và cộng đồng. Trong đó, khốn khổ thay, những người này cần nhất là sự hỗ trợ của gia đình thì gia đình lại chính là nơi gây cho họ nhiều áp lực nhất. Điều này có thể lý giải rằng vì gia đình mới là nơi gần gũi nhất và lo lắng cho họ nhất, nhưng cũng có thể thấy rằng lý do chính là vì gia đình cảm thấy xấu hổ khi có một đứa con như thế. Khoảng thời gian Hà lộ diện là khi Hà và mẹ không thể nói chuyện với nhau, là khi thỉnh thoảng một thành viên gia đình lại dò xét và buông những câu như, “rồi mẹ nó cũng khổ thôi, đẻ con lợn lành mà thành lợn què”. Với một người như Hà, đó thực sự là một màn tra tấn.

Trong khi ai sinh ra rồi cũng sẽ yêu và quan hệ tình dục thì điều này quá nặng nề với Hà. Nhất là khi mới biết mình khác biệt thì lại là lú nhận thấy mình rung động. Thay vì thấy hạnh phúc thì Hà lại thấy tội lỗi, không hiểu mình sai chỗ nào, và xung đột ở chỗ mình đâu có làm gì sai. Và đó là khi cảm giác về việc sinh ra bất hạnh xảy đến. Để vượt qua được cảm giác đau đớn này, Hà quyết định lộ diện, chấp nhận bản thân để có thể thoải mái đón nhận những tình cảm tự nhiên đến với mình.

Mặc dù giờ đây áp lực từ gia đình đã giảm bớt, Hà đã thoải mái hơn khi ăn mặc như con trai, nhưng không vì thế mà hàng ngày không phải đấu tranh dằn vặt với bản thân mình vì “tôi cũng phải luôn đấu tranh với định kiến của bản thân mình, cho mình thời gian để làm quen với nó”. Hà và người yêu dù hạnh phúc bên nhau nhưng đâu đó trong cuộc sống, bóng hình của sự ghẻ lạnh và phân biệt vẫn còn đó, khi hai người có thể âu yếm nhau ở nơi kín đáo, hay khi phóng rất nhanh trên đường, còn khi đứng giữa mọi người, dù được ở bên người yêu, Hà vẫn thấy cô đơn. Hạnh phúc vì thế, vẫn chưa bao giờ trọn vẹn.

Kêu gọi những người thuộc giới tính thứ ba lộ diện

Là điều phối viên của câu lạc bộ ICS Hà Nội, một tổ chức dành cho những người thuộc giới tính thứ ba ở Việt Nam (LGBT), Hà không những đã tự thoát ra được vỏ bọc của mình mà còn đang giúp đỡ rất nhiều người khác trong việc cố gắng tự chấp nhận bản thân và “thông cảm ngược” với định kiến xã hội. Hà cho rằng bước đầu để một người LGBT có thể có hạnh phúc là... lộ diện, vì chỉ có cách mình chấp nhận và thôi kì thị mình trước thì mới mong xã hội chấp nhận mình được.

“Khi tôi nói cho mẹ biết, mẹ bảo rằng liệu có phải bố mẹ có bệnh gì không mà sinh ra con như thế, đó là một đòn giáng quá mạnh với tôi. Mẹ làm tôi cảm thấy mình như một sản phẩm khuyết tật vậy. Và dù tôi có cố gắng thế nào thì mẹ vẫn  không thể quen được với con người thực sự của tôi. Một tháng liền hai mẹ con không hề trò chuyện ngoài những câu như “Ăn cơm đi, Ngủ sớm đi”.

Tuy nhiên bây giờ nghĩ lại Hà thấy rằng đau đớn ấy cũng đáng vì giờ đây Hà được thoải mái sống với chính mình, từng bước lấy được sự tôn trọng của mọi người như đáng nhẽ phải thế. Hà cho rằng nếu như không lộ diện để sống cho đàng hoàng thì cộng đồng LGBT sẽ vẫn gây ra những hiểu lầm trong xã hội và không đủ mạnh để thúc đẩy hợp pháp hóa quyền con người cho chính họ. 

“Tôi rất lo cho những người bạn LGBT của mình ở Việt Nam hiện nay, khi khao khát được sống với chính mình quá thôi thúc và họ không ý thức được sự nguy hiểm khi tiêm hoocmoon không có bác sỹ tư vấn, không rõ nguồn gốc, làm cho cơ thể có thể bị phá hủy, đấy là chưa kể các vấn đề liên quan đến tâm lý, liên quan đến gia đình”.

Hà cũng mong những bậc làm cha mẹ có con cái rơi vào trường hợp này ủng hộ con em họ: “Vì rõ ràng LGBT không phải là bệnh nên các bậc phụ huynh có dốc hết tiền chữa chạy thì con họ cũng không khỏi được. Chi bằng hãy dần chấp nhận rằng đó là một xu hướng tự nhiên và ủng hộ con mình. Dù xã hội có kì thị đến đâu nhưng nếu được gia đình ủng hộ, những người LGBT cũng sẽ vẫn vững vàng đi trên con đường của mình và đạt đến hạnh phúc.