Chàng trai Tày luyến nhớ cố hương

(ANTĐ) - Rời bản làng về phố học đại học, trở về làm việc tại quê nhà, rồi lại về phố đánh vật với từng con chữ, nhưng ở A Sáng vẫn là sự thuần khiết trong ngần như nước suối đầu nguồn.
Luyến nhớ cố hương, A Sáng gửi lòng mình vào trang viết để vẽ nên một hiện thực vừa đẹp đẽ vừa xa xót trong “Thân xác”…
Chàng trai Tày luyến nhớ cố hương ảnh 1
- “Thân xác”, cuốn tiểu thuyết mới ra mắt của anh ban đầu có tên “Hạt dẻ non”, nhưng rồi nó đã được đổi sang một cái tên “câu khách”, tại sao vậy?- Đúng là đầu tiên nó có tên “Hạt dẻ non”, tôi thích cái tên đó và gửi cho nhà sách. Một người bạn của tôi cũng thích cái tên đó. Thế nhưng bên nhà sách, người ta mua bản quyền của tôi, họ có đề nghị đổi sang một cái tên có “chất thị trường” cho dễ bán. Nói thực là tôi suy nghĩ rất lâu về điều này. Nhưng cuối cùng tôi thấy, việc đổi lại tên sách cho hợp hơn với thị trường cũng chẳng ảnh hưởng gì ghê gớm đến chất lượng bên trong. Nó cũng chỉ như cái tên Sáng, hoặc A Sáng mà thôi. Vấn đề vẫn là cái bên trong - cái làm nên cuốn sách đó. Thế là tôi đổi thành “Thân xác”.- Trong “Thân xác”, Nhình - cô gái dân tộc Tày đã chối bỏ nguồn cội đi tìm một cuộc sống mới, thế nhưng dường như anh không cho cô ấy một lý do đủ sức nặng?- Tôi không biết cái lý do đủ sức nặng của bạn sẽ như thế nào. Theo tôi hiểu, ý của câu hỏi này là tại sao Nhình lại chối bỏ nguồn cội, cái gì làm cô gái ấy muốn chối bỏ nơi sinh ra mình..? Nếu câu hỏi đúng như vậy thì tôi cũng xin thành thực trả lời rằng, Nhình - nhân vật của tôi chưa bao giờ muốn chối bỏ nguồn cội. Cô ấy chỉ chạy trốn nguồn cội. Một sự trốn chạy điên rồ và thất bại. Mỗi khi thất bại ập đến Nhình đều muốn trở về với bản Pác Thay, nhưng không thể. Riêng với tôi, nhân vật ấy có một lý do hết sức quen thuộc như tôi và bạn: sự khát khao tìm đến với nền văn minh. Bạn, tôi, và nhân vật kia hoặc rộng hơn là tất cả những người trẻ tuổi sống ở tỉnh lẻ đều muốn về thành phố nếu có cơ hội. Đó là một lý do trong sáng, nó chẳng có sức nặng, cũng không tội tình gì. Nó là điều tự nhiên. Nếu bạn từng sống ở bản làng như tôi, bạn sẽ thấy ánh sáng của phố phường quyến rũ như thế nào. Và nếu bạn sống ở thành phố thì bên kia đại dương sẽ quyến rũ bạn. Chỉ như thế mới khiến con người phát triển. Vì thế tôi nghĩ, chẳng cần đong đếm hay áp đặt một lý do nào đó cho nhân vật của mình.- Mô tuýp gái quê xuống phố bị xung đột văn hóa, không giữ được mình và gặp bi kịch không còn mới, liệu còn một thông điệp gì khác ẩn trong “Thân xác”?- Tôi nghĩ rằng, nếu có đủ tài năng chỉ cần viết về cái bếp của mình cũng thừa sức hay và vô vàn thông điệp ở đó. Cái mô tuýp gái quê về phố đúng là không mới, nhưng chưa bao giờ cũ. Trong nghệ thuật, đề tài chẳng có cái gì cũ, và cũng chẳng có cái gì được gọi là chắc chắn mới. Người viết có nhiệm vụ tìm ra cái mới trong sự sinh động của đời sống ấy. Tôi không phải người thích đi tìm một nội dung mới, mà tôi chủ động đi tìm cái nhìn mới. Trong cuốn sách này, cái thông điệp vẫn đơn giản chỉ là một tiếng kêu về sự xung đột, xâm lấn, suy tàn… của văn hóa và cuối cùng là sự suy tàn về nhân cách con người.
Ở Trung Quốc có trào lưu văn học vết thương. Một thể loại văn học quen thuộc và rất hấp dẫn, nó đã làm nên nhiều tên tuổi. Và bạn thấy đấy, vẫn chỉ cùng một mô tuýp nhưng mỗi tác giả lại có cách thể hiện khác nhau. Nó vẫn sống động và thu hút bạn đọc trên toàn thế giới. Cuối cùng vẫn là tài năng thôi bạn ạ. Nói đơn giản thế này: viết cái gì thì viết miễn hay là được.
- Anh cũng là người dân tộc Tày và cũng có một cuộc di cư từ Cao Bằng về Hà Nội làm báo như nhân vật chính của tiểu thuyết, viết “Thân xác” với anh phải chăng cũng là một hình thức “tự truyện”?- Chính xác. Tôi không ngần ngại nói rằng, tôi lấy chính mình ra để làm nhân vật. Nếu tôi là một người nổi tiếng, tôi sẽ viết thật như một cuốn tự truyện. Nhưng tôi chỉ là A Sáng - kẻ vô danh tiểu tốt, lằng nhằng vài bài báo, vài cái truyện ngắn chẳng ấn tượng gì. Vì thế nếu tôi viết tự truyện người ta sẽ cười vào mũi tôi. Nhưng câu chuyện này nó ám ảnh tôi quá, tôi phải viết, phải “tổ chức” lại cách viết. Và nó trở thành tiểu thuyết, hoặc một cái gì đó tương tự. Nói thực, tôi cũng không biết nó đủ tầm để trở thành tiểu thuyết không. Tôi cứ “liều mạng” viết như vậy - viết đến khi rũ xuống và không thể làm gì khác được nữa thì dừng lại.- Không nhiều người viết văn tự quảng cáo tác phẩm của mình theo đúng nghĩa của từ này, còn với “Thân xác”, trước vài tháng khi nó ra đời, đều đặn trên tờ “Đang yêu” đều có ô giới thiệu về nó cùng bìa sách, anh muốn độc giả từng đọc những bài báo ký tên A Sáng sẽ tìm đọc tiểu thuyết của mình hay một điều gì khác?- Tôi chẳng có ý đồ gì cả. Tôi sống bằng nghề báo. Có tham gia nhiều ê kíp làm báo. Và tờ “Đang Yêu” là nơi tôi tham gia cộng tác, thế nên người ta ưu ái cho tôi giới thiệu tác phẩm của mình. Tôi nghĩ, chẳng dại gì không tự giới thiệu sản phẩm của mình khi có cơ hội. Nếu ai đó từng biết tôi qua những bài báo, họ cũng sẽ tò mò xem văn chương của “thằng” A Sáng thế nào? Và tôi nghĩ đơn giản thế này, thêm được một người đọc là niềm hạnh phúc của người viết. - Bố vợ anh, nhà thơ Y Phương thành danh rồi mới từ miền núi về phố phường công tác, còn anh đi theo con đường ngược lại, về phố mới lập danh?- Phải rành mạch từ đầu thế này: Tôi không dại gì tìm cách lập danh bằng văn chương. Đó là điều nguy hiểm! Nếu bạn ngồi xuống bàn viết và bắt đầu nghĩ về việc lập danh thì ngay lập tức văn chương biến mất. Nói chính xác hơn rằng, bạn sẽ biến việc viết văn thành việc phụ, vì mục tiêu của bạn là lập danh. Và khi nó đã trở thành phụ thì chắc chắn không bao giờ hay. Nhà thơ Y Phương - bố vợ tôi về thành phố vì những lý do riêng. Còn tôi về thành phố như đã nói ở trên: sự quyến rũ của phố phường. Đơn giản chỉ có thế. - Nghe nói anh sống khá tốt với nghề báo?- Đúng. Tôi sống bằng nghề báo, còn sống tốt đến đâu thì tùy vào tiêu chuẩn của từng người. Cả gia đình tôi sống bằng nhuận bút, và với cá nhân tôi thì sống như vậy là tốt rồi. Cái tốt ở đây phải được hiểu rằng, tôi đã rất chăm chỉ - chăm chỉ đến nỗi lúc nào cũng thiếu ngủ. Và tôi nghĩ, bất cứ ai làm việc với tần suất như vậy đều sống tốt vì họ hoàn toàn xứng đáng với điều đó. - Rời xa núi rừng về phố bon chen với cuộc sống hiện đại, có bao giờ anh thấy mệt mỏi và tiếc nuối?- Không! Không hề tiếc nuối. Hơn nữa tôi cũng chưa bao giờ có dự định sống cả đời ở thành phố. Cái nghề làm báo này nó cần phải ở nơi đông người vì thế tôi ở đây. Còn chuyện mệt mỏi, tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, cũng phải lao động - chăm chỉ lao động mới có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt. Tất nhiên, sống ở thành phố con người ta chịu nhiều áp lực hơn vì thế dễ mệt mỏi và chán chường hơn. Nhưng nếu sống ở nông thôn, hay miền núi cái áp lực còn đau đớn hơn nhiều.- Không định gắn bó hết đời với thành phố, nghĩa là anh sẽ trở về với bản Pác Thay?- Hồi bé, tôi cứ đứng ở đầu bản và nhìn lên con đèo ở sườn núi. Con đèo ấy tôi chưa bao giờ vượt qua, nó xa tít và khiến bất cứ đứa trẻ ở bản làng nào đều muốn biết: bên kia con đèo là cái gì? Tôi đã bị ám ảnh bởi điều đó và tôi đã ra đi. Nhưng đến một ngày tôi mới nhận ra sự thất bại của chính mình. Vì rằng, đã có một thời tôi nghĩ, mình sẽ không bao giờ quay về nữa. Vì rằng, tôi nghĩ cái bản làng ấy chỉ là một nơi tối tăm đầy bùn non trộn với phân trâu… Tôi đã hãnh diện là người vượt được con đèo đó. Nhưng đến một ngày tôi lại nhận ra, chính cái bản làng xa tít ấy là nơi không thể thiếu với đời sống của mình. Chừng mực nào đó tôi thấy mình là người may mắn, vì kịp nhận ra một điều quan trọng: tiếng gọi của cố hương!
Tôi sẽ trở về, nhưng chưa phải bây giờ.
- Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có dân tộc Tày đang ngày càng bị phai lạt, xâm thực, là một người viết anh có trăn trở nhiều không?- Tôi đã viết cả một cuốn sách 300 trang chỉ để nói về điều này. Và tôi thấy mình thất bại.- Tại sao anh lại nghĩ như thế, khi mà “Thân xác” chỉ mới vừa được in ra?- Bởi vì vấn đề đó lớn lao quá, quan trọng quá… nhưng tôi mới chỉ bỏ một hạt muối vào dòng sông. Tất nhiên nó sẽ biến mất và chẳng ai để ý. Vì thế tôi cảm nhận được sự thất bại của cá nhân mình. Tôi thất bại vì tài năng, vì lòng nhiệt huyết, vì nhiều lẽ nữa. Nhưng dù sao vẫn phải hành động, vẫn phải hy vọng như kẻ lạc giữa đảo hoang ngày ngày viết thư bỏ ra biển khơi, có thể chẳng ai nhận được, hoặc rất lâu nữa mới có người nhận được nhưng tôi chưa bao giờ nản chí. Tôi chỉ buồn vì thấy khả năng của mình còn hạn hẹp.- Cám ơn anh đã chia sẻ!