Chăng điện bẫy trộm gây chết người bị xử lý như thế nào?

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gần nhà tôi nhiều hộ gia đình trồng cây ăn quả. Tuy nhiên gần đây, các gia đình này thường xuyên bị người xấu trèo tường rào vào chặt cây hoặc cây có quả sai thì bị lấy hết gây thiệt hại lớn. Các hộ đã bàn nhau chăng dây điện ngầm xung quanh vườn và phát điện vào ban đêm để bắt kẻ trộm phá hoại. Tuy nhiên sự việc không may đã xảy ra, kẻ trộm bị phát hiện nhưng lại chết do điện giật. Thưa luật sư, liệu bà con có bị xử lý gì không? Đinh Mạnh Linh (Hòa Đức, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Tại Điều 123 Bộ luật Hình sự quy định Tội giết người như sau:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 2 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.”

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi làm chết người khác có thể thực hiện thông qua  hành động, cụ thể: các hộ dân đã sử dụng tác nhân gây chết người là bẫy điện với mục đích để bắt trộm và hậu quả là gây chết người. Lỗi trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp, “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. Do đó, trường hợp này, các hộ dân phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi của mình theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.