“Chẳng có hạnh phúc nào nhiều hơn thế!”

ANTĐ - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những ký ức về đồng đội, những hy sinh mất mát dường như vẫn hiện hữu trong tâm trí, thúc giục ông phải làm gì đó. Với cuốn sổ ghi chép phần mộ của gần 300 liệt sĩ những ngày còn trong chiến trường, hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Đức Phổ, thương binh hạng 4/4 ở thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã rong ruổi khắp các chiến trường xưa để mong tìm lại hài cốt đồng đội.

Kỷ vật chiếc bát  và đôi đũa

Tìm về ngôi nhà ông, một ngôi nhà mái ngói đơn sơ với hàng cau trước sân nằm sâu trong ngõ nhỏ. Để gặp được ông không phải dễ bởi phần lớn thời gian ông dành cho việc đi tìm mộ kéo dài có khi vài tháng trời.

Năm 1968, khi cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Phổ lúc đó vừa tròn 21 tuổi đã viết đơn tình nguyện đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau 5 tháng huấn luyện ở đoàn 1063, tháng 12-1968, ông được tăng cường cho tiểu đoàn 96 (D96-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên) đảm nhiệm công tác văn thư và ghi chép quân số cho đơn vị. Đơn vị ông làm nhiệm vụ trinh sát, dân vận nên ngày nghỉ, đêm hoạt động trong lòng địch.

Nhớ lại những ngày chưa xa, ông xúc động: Khi đó bộ đội ta đói lắm, hy sinh nhiều mà hầu hết chưa kịp ăn. Chúng tôi đã nhờ người dân mua hộ 1 cái bát, một đôi đũa để ngày rằm, ngày Tết xới cơm mời đồng chí, đồng đội đã khuất về ăn cùng. 5 anh em chơi thân gồm có tôi và Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Quang Chinh, Nguyễn Phi Hùng, Hoàng Văn Trị luôn coi đó là báu vật mang bên mình và giao ước với nhau khi nào kết thúc chiến tranh, ai may mắn sống sót phải mang cái bát, đôi đũa cúng cơm những người đã hy sinh về cho gia đình để họ được chạm vào kỷ vật, coi như linh hồn các anh được theo về. Chiến tranh ác liệt, hầu như ngày nào cũng có chiến sĩ hy sinh. Cơm chúng tôi ăn không đủ, phải độn với sắn nhưng vẫn cố gắng để dành một bát cơm đầy đặn cúng các anh. Bát cơm đôi đũa được để trên ba lô của các anh chứ cũng không có bàn thờ gì cả. Trong 5 anh em chơi thân với nhau thì lần lượt 4 người hy sinh, chỉ còn lại mình tôi bị hai mảnh đạn găm vào cánh tay trái và vết thương ở chân phải”. Năm 1974 ông được xuất ngũ trở về quê hương mang theo kỷ vật là cái bát và đôi đũa. Ông đặt kỷ vật lên chỗ trang trọng nhất của bàn thờ. Cứ mỗi lần thắp hương, nhìn kỷ vật đó nước mắt ông lại trào ra, thương những người đồng đội còn nằm lại chiến trường. Nó thôi thúc ông phải làm một điều gì đó để tri ân với đồng đội đã khuất. Dựa vào cuốn sổ ghi rõ nơi hy sinh, địa điểm, quê quán của hơn 300 liệt sĩ ông quyết định phải vào lại chiến trường xưa.

Rong ruổi khắp chiến trường tìm hài cốt

Năm 1993, dù kinh tế gia đình còn khó khăn, các con còn nhỏ nhưng ông vẫn quyết định bán những đồ vật giá trị nhất trong nhà để có tiền đi tìm phần mộ các liệt sĩ. Vào đến Phú Yên, ông nhận được sự đón tiếp và giúp đỡ nhiệt tình của những đồng đội năm xưa và người thân. “Nghe tôi nói về ý định tìm lại hài cốt của đồng đội, các cấp chính quyền và người dân ở đây đều hết lòng ủng hộ. Thậm chí, có vị lãnh đạo còn nói, miền Nam được giải phóng là nhờ máu xương của chiến sĩ miền Bắc. Bởi vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đưa hài cốt của các anh về  với gia đình, đã làm tôi vô cùng xúc động”, ông Phổ nói. 

Việc tìm mộ liệt sĩ giữa rừng sâu không đơn giản. Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in lần đi tìm bộ hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Văn Tế quê ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam vào năm 1994. Chính tay ông đã chôn cất liệt sỹ Tế ở một khu đất hoang bên bờ suối, có tảng đá to nằm bên cạnh. Nhưng khi ông vào Phú Yên tìm lại phần mộ thì trước mặt ông lại là cánh đồng mía xanh tốt, không còn dấu tích của ngôi mộ. Không thấy mộ của đồng đội, ông bồn chồn ăn không ngon ngủ không yên. Hàng ngày, ông ra cánh đồng mía hàng tiếng đồng hồ để lần mò dấu tích đồng đội. Phải gần một tháng sau, ông mới tìm thấy ngôi mộ, với sự giúp đỡ của ông chủ cánh đồng mía.

Mỗi năm ông đi vài chuyến vào các nghĩa trang, các chiến trường mà các đồng đội đã ngã xuống. Hơn 200 nghĩa trang từ Bắc vào Nam, ông đều đã đặt chân đến.  Ở những nghĩa trang, các chiến trường đã đi qua, ông đều cẩn thận ghi chép đầy đủ họ tên, tuổi, quê quán, nơi hy sinh, các thông tin liên quan đến liệt sĩ. Sau khi đã có thông tin đầy đủ từ gia đình liệt sĩ cung cấp và đối chiếu với các tài liệu có trong tay, ông lại mày mò tìm cách đến tận nơi khâm liệm và tự tay đưa các phần mộ đồng đội về quê nhà.

Phương tiện duy nhất gắn bó với ông là chiếc xe đạp cũ kỹ. Nó giúp ông rong ruổi khắp các chiến trường, rồi trên đường tìm về nhà đồng đội. Những năm đầu, để có kinh phí, ông Phổ phải bán đi cả những thứ có giá trị trong gia đình như lợn gà, các lứa tằm, gom góp lương hưu… Còn nhớ lần đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Hùng, khi ông đến địa điểm chôn cất liệt sỹ Hùng ở xã Vân Hòa, huyện Sơn Hòa, Phú Yên thì phần mộ đã được di dời đi nơi khác. Ông đến huyện đội để tìm thông tin thì được biết phần mộ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ. Nhưng cái khó là ở chỗ phần mộ liệt sỹ Hùng là mộ vô danh lại không được đánh số. Bởi vậy, trong hàng trăm ngôi mộ vô danh ở nghĩa trang liệt sỹ để tìm ra đúng phần mộ của liệt sỹ Hùng là việc không hề dễ dàng. Ông lại phải gọi điện về gia đình liệt sĩ Hùng thì được gia đình cho biết, lúc còn nhỏ anh Hùng đã từng bị gãy tay. Kết hợp thông tin trên cùng với sự giúp đỡ tận tình của huyện đội Sơn Hòa, Phú Yên, cuối cùng ông đã tìm đúng hài cốt của liệt sỹ Hùng để chuyển về quê hương an nghỉ.

Điều khó nhất khi đi tìm hài cốt liệt sĩ là nhiều điểm chôn cất ngày xưa giờ đã mất dấu. Không những vậy, có lần gặp mưa to, nước suối dâng lên quá nhanh khiến chuyến đi của cả đoàn phải dừng lại giữa đường. Ông Phổ vẫn nhớ như in lần đi tìm hài cốt người đồng đội cùng quê với mình, liệt sĩ Nguyễn Văn Bình. Theo cuốn sổ mà ông ghi lại thì phần mộ của liệt sĩ Bình được chôn cất ở bản A Tép, thuộc huyện Hiên (Quảng Nam). Để tới được bản A Tép, đoàn phải mất hơn một ngày vượt đường rừng. Đến nơi, trời đổ mưa lớn, bản bị cô lập do đường sạt lở, nước suối dâng cao, đoàn phải nghỉ lại bản gần tháng trời. Bà con dân tộc đã góp gạo và thức ăn cho đoàn. Nhờ tình cảm quân dân gắn bó mà cả đoàn đã vượt qua thời điểm gian khổ nhất để đưa được liệt sĩ Bình về quê hương.

Niềm vui mừng khôn xiết

Hành trình tìm mộ nhiều gian truân, vất vả nhưng cũng khiến ông hạnh phúc, vui mừng khôn xiết khi tìm được mộ đồng đội, đem lại niềm vui cho các gia đình sau bao năm mỏi mòn chờ đợi. Ông nhớ mãi kỉ niệm chị Hận con liệt sĩ Kiều Văn Tẩy quê ở huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ vì không chứng minh được là con liệt sĩ nên không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Rất may, ông là người trực tiếp chôn cất đồng chí ấy nên đã báo cho gia đình liệt sĩ Tẩy biết nơi chôn cất người chồng, người cha của họ. Không lâu sau, ông cùng gia đình liệt sĩ Tẩy vào tỉnh Phú Yên chuyển hài cốt liệt sĩ Tẩy về quê. Lúc làm xong thủ tục cho đồng chí Tẩy, chị Hận nắm tay ông nấc lên từng tiếng nói không thành lời: Chú Phổ ơi, chính xác phần mộ bố cháu đây rồi. Cháu vui quá chú ạ.”. Ông bảo, chẳng có hạnh phúc nào nhiều hơn thế.

Việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện nhưng nhiều gia đình không khỏi ngỡ ngàng khi ông tìm và mang hài cốt con em họ về tận nhà. Có nhiều người cảm ơn ông bằng cả xấp tiền nhưng ông đều nhất mực từ chối. Ông bảo: Tôi làm công việc này là xuất phát từ tình cảm với đồng đội đã khuất chứ không phải vì danh lợi. Các anh đã nằm lại chiến trường, tôi may mắn sống sót trở về, giờ chỉ có thể giúp tìm lại hài cốt các anh trở về với gia đình là tôi mãn nguyện. Đến nay tôi mới tìm được hơn 200 bộ hài cốt. Hiện nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ tôi về kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất để tôi đi tìm đồng đội. Tôi chỉ sợ không đủ sức khỏe để đi tìm nốt các đồng đội đã hi sinh mà mình đã ghi chép lại thôi”.