Cát cứ đất công: Vạch mặt tội phạm bảo kê (2)

“Chân tướng” của sự phức tạp

ANTĐ - Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã nắm bắt hiện tượng tội phạm “bảo kê” lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công và từng phải tung lực lượng mạnh nhất - Đội Đặc nhiệm để truy xét và trấn áp loại đối tượng này.
 

Lực lượng chức năng bắt quả tang trường hợp đổ trộm đất trạc


Sóng ngầm

Gần đây, hai lần trực tiếp trao đổi với Thượng tá Đào Thanh Hải về tình hình ANTT chung trên địa bàn Thủ đô, thì cả hai lần người Trưởng phòng CSHS CATP Hà Nội đều bày tỏ sự băn khoăn về việc hình thành, lây lan khá nhanh của loại tội phạm gọi nôm na là “bảo kê” cho việc lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công. Đất của các hợp tác xã sắp giải thể hoặc đã giải thể; đất phần trăm; đất 64; đất xen kẹt; đất chấp chới ranh giới giữa thổ canh và thổ cư… “Tội phạm “bảo kê” lấn chiếm, xây dựng, đổ bậy trên đất công diễn ra ở hầu hết các địa bàn ven đô nơi có quá trình đô thị hóa nhanh”, Thượng tá Đào Thanh Hải nhận định.

Không quá khi nói rằng, lợi nhuận phi pháp mà tội phạm “bảo kê” lấn chiếm, san lấp trái phép đất công có khi còn nhiều hơn cả… buôn ma túy. Đã và đang hình thành những “liên minh ma quỷ”, giữa đối tượng xấu người bản địa với các đám lưu manh, côn đồ. Loại đối tượng này hoặc là ngang nhiên đổ đất, phế thải lấn chiếm, san lấp mặt bằng, đất công; hoặc sẵn sàng cướp không những khu đất - mặt bằng mà cá nhân hay tổ chức đã… lấn chiếm trái phép trước đó. Trong cuộc chơi này, phần thắng luôn thuộc về những kẻ chuyên và sẵn sàng áp “luật rừng” để dằn mặt đối thủ. Rất ít cá nhân - tổ chức được coi là bị hại, gửi đơn đến tố cáo cơ quan chức năng, bởi sợ bị liên lụy, bị trả thù.

Bên cạnh những thành phần “bảo kê” san lấp, lấn chiếm đất công cấp làng, cấp xã đã hình thành những nhóm “bảo kê” chuyên nghiệp, hoạt động liên địa bàn, liên tỉnh, có sự móc nối của các đối tượng nghiện hút, hình sự. Vụ cưỡng đoạt ở tiểu khu Phú Mỹ, huyện Phú Xuyên mà chúng tôi đã nêu là một điển hình. “Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi xác định và đã nhiều lần trực tiếp xuống giải quyết, bắt giữ đối tượng “bảo kê” lấn chiếm đất ở nhiều địa bàn. Nhưng đây thực sự chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc của sự phức tạp”, chỉ huy Phòng CSHS khẳng định.

Trách nhiệm của cơ sở

“Phương tiện hành nghề” của 1 nhóm “bảo kê” lấn chiếm đất công

bị lực lượng công an thu giữ

Lực lượng công an, đặc biệt CSHS, chỉ vào cuộc khi vụ việc có dấu hiệu hình sự. Cái gốc của sự phức tạp ở đây chính là công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của các cấp chính quyền cơ sở. Việc đổ đất lấn chiếm, san lấp đất công là hành vi sai phạm chỉ có thể xử phạt ở góc độ hành chính. Hơn ai hết, hiệu quả hơn hết, kịp thời hơn hết, phải là chính quyền xã, phường, thị trấn. Mạnh hơn nữa là cấp quận, huyện. Bộ máy, lực lượng phải đủ mạnh để cưỡng chế hành chính hành vi đổ đất, san lấp mặt bằng trái phép, từ xã đến huyện, từ phường đến quận, đều không thiếu. Nhưng rõ ràng, trách nhiệm hoặc cũng do nhận thức của nhiều cấp cơ sở đang còn rất yếu kém.

Tìm đến trụ sở UBND thị trấn Phú Xuyên, hỏi một cán bộ về công tác quản lý đất đai, chúng tôi nghe câu trả lời chắc nịch: “Dạo này thị trấn, huyện làm quyết liệt nên tình trạng lấn chiếm đất công giảm nhiều. Kể cả những trường hợp vi phạm vào các ngày nghỉ cũng bị chúng tôi phát hiện, xử lý”. Thế nhưng trái ngược với sự khẳng định này, lãnh đạo CAH Phú Xuyên vẫn phải lắc đầu ngao ngán khi đề cập đến vai trò, trách nhiệm quản lý đất đai, xây dựng của chính quyền cơ sở.

Trở lại vụ việc nhóm đối tượng đổ đất lấn đường, bắt doanh nghiệp phải trả tiền mới cho đi qua ở tiểu khu Phú Mỹ theo tìm hiểu, được biết ngoài trường hợp chị Huế, nhóm côn đồ này từng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý đất đai, hồi cuối tháng 6-2011 đã kéo đến nhà anh Nguyễn Văn B., trú ở thôn Nội Hợp, xã Nam Phong, Phú Xuyên, mang theo dao, kiếm tự chế để yêu cầu anh B. cho kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dĩ nhiên, miếng đất mà anh B. đang sử dụng là “có vấn đề”. Ở đây, có hai góc độ để đánh giá hiệu quả quản lý đất đai của chính quyền cơ sở. Một, là các tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công. Tình trạng này không được phát hiện, xử lý kịp thời, hoặc cũng có thể, vi phạm được “bật đèn xanh”, và đã kéo theo dạng thứ hai, loại đối tượng chuyên đi đe dọa các trường hợp vi phạm. Không thể nói công tác quản lý đất đai hiệu quả, chặt chẽ, khi mà việc một nhóm đối tượng ngang nhiên đổ đất lấn đường, rồi lấy cớ đó để ép, vòi tiền dân, mà không hề bị chính quyền cơ sở phát hiện, ngăn chặn. Đáng chú ý, khi tìm về tiểu khu Phú Mỹ, chúng tôi nghe người dân phản ánh một trường hợp khác, là vợ chồng T-H, cũng đổ đất lấn chiếm để “bắt nạt” một trường hợp người dân từ nơi khác về Phú Mỹ mua đất, làm nhà.

Sự hình thành, lây lan của tội phạm cưỡng đoạt, thậm chí cướp tài sản, thông qua việc “bảo kê” lấn chiếm, san lấp, xây dựng trên đất công, không khó để nhìn ra nguyên nhân. Nhưng vấn đề quan trọng, sẽ giải quyết nguyên nhân - phần “gốc” của sự phức tạp ấy như thế nào? Câu hỏi này không ai khác, các cấp chính quyền cơ sở phải trả lời được.