Chặn tội phạm ma túy từ phòng thí nghiệm

ANTD.VN - Hàng nghìn vụ vđược lực lượng CATP Hà Nội phát hiện mỗi năm cũng là chừng đó lần lực lượng giám định hóa học Phòng Kỹ thuật hình sự phải thực hiện nhiệm vụ, góp phần triệt xóa nhiều đường dây ma túy lớn trên địa bàn Thủ đô.

CBCS Đội Giám định hóa học thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày

Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân, Đội trưởng Đội Giám định hóa học, Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội cho hay, 100% cán bộ chiến sỹ đang công tác tại đội được tuyển từ  khoa Hóa các trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa. Có một niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đấu tranh với các loại tội phạm, các anh, các chị đã lựa chọn màu áo xanh cảnh sát để cống hiến. 

Đẩy nhanh tiến độ các án ma túy

Thời điểm năm 1998, cùng với sự phát triển của xã hội, tệ nạn xã hội cũng gia tăng, thay đổi rất phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy. Trong nhiều vụ án, tang vật thu giữ số lượng lớn và nhiều chủng loại. Để giám định, đội phải mang mẫu tang vật về phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích mới có kết quả. Việc làm đó mất nhiều thời gian của cả cơ quan giám định và các đơn vị đấu tranh chống tội phạm ma túy của CATP.

Chính vì vậy, để phục vụ công tác phát hiện nhanh, sàng lọc phân loại, đấu tranh với các đối tượng ma túy, ban chỉ huy đội cùng CBCS đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi, pha chế thành công “Thuốc thử phát hiện nhanh các chất ma túy” dựa trên các phản ứng màu.

Nghiên cứu này đã giúp các giám định viên nhận biết nhanh chóng, sơ bộ định hướng, phân loại các chất ma túy nên đã rút ngắn được thời gian giám định, nhanh chóng đưa ra kết quả sơ bộ một cách chính xác về loại ma túy ngay tại hiện trường, tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan điều tra phân loại đối tượng, triển khai các thủ tục hình sự như tạm giữ, tạm giam, có biện pháp ngăn chặn kịp thời... cũng như triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo để mở rộng vụ án. Thành công hơn, công trình “Thuốc thử phát hiện nhanh các chất ma túy” đã được trao Giải thưởng Thăng Long năm 1998; được Bộ Khoa học Môi trường thời điểm đó tặng Bằng khen...

Kế thừa kết quả ấy, năm 2013, Đội Giám định hóa học lại tiếp tục công bố công trình nghiên cứu thuốc thử Ketamine, nhằm phát hiện nhanh chất gây nghiện Ketamine, loại hóa chất mới được ghi trong danh mục ma túy nguy hiểm tại Việt Nam vào thời điểm đó. Đây là công trình nghiên cứu giành giải cao tại  Festival Sáng tạo trẻ năm 2013 do Trung ương Đoàn bình chọn, góp phần đẩy nhanh tiến độ phá án của lực lượng công an.

Những chiến công để đời 

Trước đó, năm 1996, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phát hiện, khám phá một đường dây sản xuất trái phép chất ma túy từ tân dược. Quá trình điều tra, Đội Giám định hóa học đã tích cực phối hợp với Cơ quan CSĐT xuống hiện trường, phân loại, thu giữ các tang vật nghi liên quan đến ma túy. Với các tang vật thu giữ được, đội đã nhanh chóng giám định trả lời kết luận và đã chứng minh quy trình sản xuất heroin từ tân dược có chứa condeine giúp Cơ quan CSĐT chứng minh được hành vi sản xuất trái phép chất ma túy của các đối tượng. Đặc biệt, quy trình này mãi tới năm 1998 mới được Liên hợp quốc công bố. 

Sau khi vụ án kết thúc, Bộ Y tế đã phải bổ sung codeine vào danh mục thuốc quản lý, không bán tràn lan để các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng sản xuất ma túy. Trung tá Nguyễn Đức Tâm, Đội trưởng Đội Giám định hóa sinh thời điểm ấy nhớ lại, với tính chất gấp rút của chuyên án, có những ngày, CBCS của đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu bất kể thời gian đêm ngày, tìm ra nguyên lý, chu trình sản xuất heroin của đường dây này.

20 năm sau đó, một chiến công của các chiến sỹ Đội Giám định hóa học đã góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thành phố khi xác định chất nổ mà một đối tượng nam thanh niên ở Ứng Hòa, Hà Nội sản xuất chính là loại thuốc nổ các đối tượng khủng bố vẫn thường xuyên sử dụng. 

Cụ thể, cuối năm 2016, trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội xảy ra một vụ nổ tại nhà Nguyễn Lương Duy. 2 ngày sau đó, Đội Giám định hóa học nhận được yêu cầu giám định của Cơ quan CSĐT CAH Ứng Hòa giám định chất bột trắng thu giữ tại hiện trường vụ nổ. Kết quả giám định cho thấy, chất bột trắng này là thuốc nổ TATP, chưa xuất hiện ở Việt Nam trước đó. Có được kết quả này là do CBCS Đội Giám định hóa học đã dày công nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu từ nước ngoài. 

Kiểm tra nhà Nguyễn Lương Duy, cơ quan công an thu được một số tang vật và dụng cụ nghi dùng vào việc sản xuất thuốc nổ. Lực lượng chức năng xác định, đây là một vụ án có tính chất nghiêm trọng, bởi TATP là loại thuốc nổ  dễ chế tạo từ những hóa chất thông dụng, khó bảo quản nhưng cũng  rất dễ phát nổ, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà các đối tượng khủng bố vẫn thường sử dụng. Kết luận của Đội Giám định hóa học cũng phù hợp với khai nhận về quy trình chế tạo thuốc nổ của Nguyễn Lương Duy. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân, khối lượng công việc cùng áp lực lớn luôn đặt lên vai các CBCS đơn vị. “Gay nhất là giám định ma túy. Số lượng vụ lớn, trong khi cải cách tư pháp yêu cầu không chỉ giám định trọng lượng mà còn cả hàm lượng ma túy thì Cơ quan CSĐT mới có căn cứ đề nghị VKS cùng cấp khởi tố vụ án hình sự hay chỉ xử phạt hành chính” - Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân bày tỏ. 

Các chất hóa học luôn thường xuyên biến đổi, bổ sung chất mới. Điển hình như ma túy, trong 20 năm qua đã có thêm hàng chục loại ma túy khác nhau, với thủ đoạn ngụy trang, lợi dụng kẽ hở pháp luật ngày càng tinh vi hơn đòi hỏi mỗi CBCS Đội Giám định hóa học phải không ngừng học tập, nghiên cứu, cập nhật kiến thức từ nước ngoài. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, họ đang ngày đêm âm thầm góp sức nhỏ bé, đưa các đối tượng về ma túy, sử dụng hóa chất để thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng phải trả giá cho hành vi của mình, đẩy lùi cái ác ra khỏi đời sống xã hội...