Chặn tham vọng vũ khí hạt nhân

ANTĐ - Trong nỗ lực ngăn chặn phổ biến các loại vũ khí giết người hàng loạt (WMD), Việt Nam đã chính thức tuyên bố ủng hộ và tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI).

Một cuộc diễn tập trong khuôn khổ Sáng kiến PSI

Được Tổng thống Mỹ G. Bush khởi động hồi tháng 5-2003, PSI là một nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt hoạt động vận chuyển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, các nguyên vật liệu chế tạo ra loại vũ khí này giữa các quốc gia cũng như các chủ thể phi quốc gia. Cho đến nay, PSI đã nhận được sự ủng hộ của 103 quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Canada, Anh, Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự ra đời của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân đã đem lại hiệu quả thiết thực. Chính nhờ cơ chế này mà mặc dù nhiều nước có khả năng phát triển công nghệ hạt nhân nhưng hiện nay chỉ giới hạn có 9 quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Nó cũng góp phần vào việc đảm bảo an ninh của các quốc gia và khu vực bằng cách ngăn chặn việc sở hữu vũ khí hạt nhân của các quốc gia láng giềng. 

Thế nhưng, thực trạng này của thế giới đang bị đe dọa bởi sự xuất hiện tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của một số nước. Nếu như tham vọng này không được ngăn chặn, sẽ có thêm các quốc gia có trong tay loại vũ khí hủy diệt. Những nước còn lại đương nhiên sẽ cảm thấy nản lòng với việc bị ràng buộc với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, bắt buộc phải có tính toán mới, chạy đua vũ khí hạt nhân có nguy cơ bùng nổ.

Với việc ngăn chặn hoạt động vận chuyển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và các nguyên vật liệu chế tạo ra loại vũ khí này giữa các quốc gia cũng như các chủ thể phi quốc gia, đặc biệt là bằng đường biển, PSI tỏ ra là công cụ khá hiệu quả. Nó đã góp phần ngăn chặn những nước ấp ủ tham vọng có vũ khí hạt nhân tiếp cận công nghệ cũng như các điều kiện cần thiết để chế tạo loại vũ khí hủy diệt này.

Phù hợp với chính sách đối ngoại vì hòa bình và phát triển, Việt Nam đã đồng ý tham gia PSI. Quyết định này phản ánh lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ hợp tác quốc tế vì mục tiêu chung là ngăn ngừa nguy cơ phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống chuyên chở và vật liệu liên quan, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia, quyền lực và nguồn lực của mỗi nước. 

Trước khi tham gia PSI, Việt Nam cũng đã có những việc làm cụ thể. Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 3 được tổ chức tại La Hay, Hà Lan hồi tháng 3-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao, bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ tại một số sân bay và cảng biển, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan hữu quan, đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân”. 

Trước mắt, quyết định tham gia PSI của Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. Nỗ lực của Việt Nam sẽ không chỉ góp phần ngăn chặn phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà còn thúc đẩy an toàn thương mại toàn cầu cũng như hòa bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.