“Chân tay đỡ mồm miệng”?!

(ANTĐ) - Câu thành ngữ chính xác phải là “Mồm miệng đỡ chân tay”, với nghĩa: Lười mà khôn ranh, chỉ dẻo mồm để trốn việc. Cho nên, khi Ký Phường đưa ra câu “Chân tay đỡ mồm miệng” thì Ký Thật hiểu ngược ngay rằng đấy là những người chăm làm nhưng vụng nói, hay làm nhiều, nói ít. Được nhiều người như thế thì quá tốt!

“Chân tay đỡ mồm miệng”?!

(ANTĐ) - Câu thành ngữ chính xác phải là “Mồm miệng đỡ chân tay”, với nghĩa: Lười mà khôn ranh, chỉ dẻo mồm để trốn việc. Cho nên, khi Ký Phường đưa ra câu “Chân tay đỡ mồm miệng” thì Ký Thật hiểu ngược ngay rằng đấy là những người chăm làm nhưng vụng nói, hay làm nhiều, nói ít. Được nhiều người như thế thì quá tốt!

Nói điều ấy với Ký Phường, chờ sự hưởng ứng nhưng Ký Phường chỉ cười cười bí ẩn như nàng Mona Lida khi bị sưng răng và thủng thẳng mà rằng:

- Bây giờ không mấy ai tư duy thẳng tưng như thế, phải vòng vo một tí mới hấp dẫn câu chuyện. Ông nghe tôi hỏi nhé?

- Sẵn sàng - Ký Thật đã thấy câu chuyện bắt đầu có “mùi học vấn”.

- Ông có hay được bọn trẻ con đang tập nói được người lớn bắt chào “Hêlô”, “bái bai” không?

- Thường xuyên, nghe ngọng líu ngọng lô nhưng cũng thấy hay hay.

- Có lẽ nhiều người thấy “hay hay” như ông nên họ đưa ngay vào quyết định trẻ con từ lớp 3 trở lên phải học môn ngoại ngữ?

- Đấy là môn học tự chọn thôi, không ai bắt buộc. Cứ để các cháu nói tiếng Việt cho sõi đã, học sau không muộn.

- Ông có dám không “bắt buộc” con ông, cháu ông học thêm ngoại ngữ không? Không chứ gì, tôi đố ông đấy. Học từ lớp 3, lên đến cấp 2, tiếp tục, lên cấp 3, vẫn tiếp tục, vào Đại học, càng tiếp tục. Không có ngoại ngữ là phí nửa đời người, thời hội nhập này càng phải tôn vinh ngoại ngữ.

- Chính xác! Chỉ có điều dạy và học thế nào?

- Thì thế. Đang lúng túng lắm, chỉ trừ các lớp chuyên, các chương trình nâng cao là có loại giáo trình khác. Còn thì cứ qua cấp học này, sang cấp học khác là phải học lại từ đầu, lại “Hello, How are you?” rộn cả lên, chúng ta thân ái thật, cứ gặp nhau là chào, là hỏi thăm sức khỏe?!

- Thế đào đâu ra mà lắm người khai vào lý lịch: trình độ ngoại ngữ bằng B, bằng C thế?

- Đầy! Mua nhanh cũng được cả mớ chứng chỉ. Có điều khi đi công tác nước ngoài mới biết “mặt hàng”. Chào xong một câu là tịt, dân ta lại thích mua sắm, thích mặc cả, chục năm học ngoại ngữ trong nhà trường, giờ quên tiệt, thế là phải dùng tay chỉ trỏ, giơ lên hạ xuống (mức giá), cứ như người khiếm... khẩu (!)

- A, bây giờ thì tôi đã hiểu, cái “Chân tay đỡ mồm miệng” hóa ra là thế. Cứ với kiểu dạy và học thế này thì chúng ta còn phải dùng “chân tay” nhiều!                       

  Ký Thật