Chăn nuôi "tay không" trước thềm TPP

ANTĐ - Chăn nuôi theo kiểu manh mún như hiện nay sẽ không thể cạnh tranh được với những tập đoàn lớn khi nông nghiệp tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thị trường chăn nuôi còn kém minh bạch, chăn nuôi bằng tăng trọng, chất cấm… khó có thể tồn tại. Theo nhìn nhận, ngành chăn nuôi Việt Nam muốn tham gia  TPP chẳng khác nào phải bắt đầu từ con số 0. 

Chăn nuôi "tay không" trước thềm TPP ảnh 1Chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và mất ATTP khó có thể cạnh tranh khi tham gia TPP

Sức ép lớn từ mở cửa

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận, gia nhập TPP ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, trong đó thức ăn chăn nuôi (TACN) phần lớn là nhập khẩu, chất lượng sản phẩm chăn nuôi chưa đạt yêu cầu về ATTP là những cản trở lớn. 

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo cam kết, ngay sau khi TPP có hiệu lực, với mặt hàng thịt lợn, hiện đang có mức thuế 10-15% sẽ được Việt Nam đưa về mức 0% theo lộ trình 10-13 năm với các loại thịt miếng tươi, ướp lạnh. Sản phẩm thịt lợn chế biến cũng sẽ phải đưa thuế về 0% sau 8 - 11 năm, tùy mặt hàng. Với mặt hàng thịt gà nguyên con, tươi, ướp lạnh và phụ phẩm, hiện đang được Việt Nam áp thuế 10 - 25%, sẽ phải xóa bỏ thuế theo lộ trình 12 năm tới. Thịt gà chế biến xóa bỏ thuế sau 8 - 11 năm.

Theo ông Cao Đức Phát, với đặc trưng chăn nuôi nhỏ lẻ, việc cạnh tranh với các quốc gia có rất nhiều thế mạnh về thịt bò và sản phẩm liên quan đến chăn nuôi bò, cũng như thịt lợn và thịt gà như Australia, New Zealand, Mỹ, Canada... thật sự là thách thức rất lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam. “Chắc chắn chúng ta phải nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược ngành chăn nuôi và một số lĩnh vực khác, trong đó cần có cơ chế, chính sách đặc biệt cho nông hộ nhỏ”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay. 

Khó cạnh tranh nếu dùng ngoại tệ nhập giống

Là tập đoàn lớn đầu tư vào chăn nuôi bò, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, trong năm 2015, đàn bò của Tập đoàn này đã lên tới 120.000 con, trong 2016, mục tiêu sẽ lên 200.000 con. Hiện HAGL là một trong những doanh nghiệp chuyên nhập khẩu bò Australia nguyên con về để bán lại cho các lò mổ.  Ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, mức thuế suất 5% với bò Australia nhập nguyên con hiện nay không phải là cản trở lớn nếu so sánh với giá thịt bò trong nước. Do đó, trong vài năm tới, lượng bò Australia nhập khẩu theo dạng nguyên con về giết mổ chắc chắn sẽ còn tăng mạnh. 

Theo đó, chi phí vận chuyển bò Australia về thị trường Việt Nam hiện chiếm 35% giá thành, nếu các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò Australia ở Việt Nam, bán tại thị trường trong nước thì không lo cạnh tranh. Ngoài ra, muốn cạnh tranh được với ngành chăn nuôi các nước Việt Nam phải tự chủ được con giống (giống tốt) và TACN. Nếu còn phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu từ con giống, đến ngô, đậu tương về chăn nuôi lợn, bò thì không thể có sự cạnh tranh về giá với sản phẩm chăn nuôi của các nước. 

Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nhược điểm lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, rời rạc. Mỗi khâu trong chuỗi chăn nuôi từ sản xuất con giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh, chăn nuôi, thương lái đến bán lẻ đều cố tìm mọi cách để có lợi nhuận cao nhất cho mình nên đã tạo ra một ngành chăn nuôi yếu, không thể cạnh tranh. “Muốn tồn tại và phát triển, ngành chăn nuôi cần phải đoạn tuyệt hẳn cách làm ăn cũ. Phải hình thành các tập đoàn lớn phát triển một chuỗi hoàn chỉnh, từ con giống, TACN và phân phối”, ông Phạm Đức Bình cho hay.