Chặn người tâm thần gây trọng án: Chỉ gia đình mới dễ dàng nhận ra...

ANTD.VN - Gần đây, Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tục xảy ra các vụ án mạng mà thủ phạm là người mắc bệnh tâm thần. Ngăn chặn loại tội phạm “đặc thù” này, không ai khác chính gia đình, người thân của những người mang bệnh.       

Đau lòng nghịch tử đoạt mạng cha...

TAND TP Hà Nội vừa đưa Dương Đại Dương (SN 1994, trú ở phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử sơ thẩm và đã quyết định tuyên phạt bị cáo này 20 năm tù về tội “Giết người”. Ngoài ra, bị cáo này còn bị áp dụng thêm 18 tháng tù, do trộm cắp chiếc xe máy. Điều đau buồn hơn người bị Dương giết hại lại chính là ông Dương Tùng Hiên (SN 1956), bố đẻ bị cáo này.

Nội dung vụ án cho thấy, ngay từ nhỏ Dương Đại Dương đã mắc chứng bệnh động kinh toàn thể cơn lớn (một dạng bệnh tâm thần), bị hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi. Sáng 23-11-2017, trong lúc lang thang, anh ta thấy chiếc xe máy cắm chìa khóa điện, không người trông coi nên trộm cắp nhưng bất thành.

Mắc bệnh tâm thần, Dương Đại Dương đã ra tay sát hại chính bố đẻ mình.

Quá trình khởi tố, điều tra, Dương được cơ quan chức năng cho tại ngoại. Cuộc sống, sinh hoạt của một người mắc bệnh tâm thần như Dương vẫn diễn ra bình cho đến trưa 21-6-2018. Hôm ấy, vợ chồng ông Hiên ngủ trưa ở phòng trong như mọi ngày, còn Dương thì nằm ở phòng ngoài.

Nhưng rồi cơn bệnh bất ngờ nổi lên, Dương liền lấy dao xông vào chém bố đẻ tới tấp. Sững sờ trước hành động bạo lực của con trai, mẹ Dương bật dậy ngăn cản cũng bị chém gây thương tích. “Nghịch tử” sát hại cha sau đó chỉ bị khống chế, vô hiệu hóa khi nhiều người xung quanh chạy đến giải cứu đôi vợ chồng già.

Đau lòng không kém vụ án trên, gia đình ông Nguyễn Bá Mắn (SN 1946, trú ở xã Thủy Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng rơi vào thảm cảnh khi có đứa con trai mắc chứng bệnh “điên rồ” và đánh bố mẹ như “cơm bữa”.

Theo đó, Nguyễn Bá Lực (SN 1971, con trai ông Mắn) tuy chưa một lần vào viện điều trị chứng bệnh tâm thần, song ai nấy đều biết Lực từ lâu đã không còn là một con người bình thường. Nguyên nhân do Lực “nát rượu” và thường sử dụng ma túy.

Tối 15-9-2017, Lực về nhà trong tình trạng say rượu và vừa sử  dụng ma túy xong. Gặp đấng sinh thành, anh này nổi điên bắt mẹ già phải sang nhà hàng xóm chửi một người phụ nữ. Mẹ phản đối, anh ta liền xông vào đánh mẹ không nương tay.

Chứng kiến cảnh con trai vô đạo, ông Mắn dùng lời lẽ khuyên bảo thì bị “nghịch tử” quay sang đánh đấm. Đánh người cha già chưa hả, Lực còn cầm 2 chân dốc ngược đầu bố xuống đất.

Và rồi trong lúc chống đỡ, giằng co, ông Mắn vớ được đoạn gậy tre và vụt liên tục vào đầu, gáy, khiến Lực bị tử vong sau đó. Trả giá cho hành vi của mình, ông Mắn bị Tòa án Hà Nội tuyên phạt 12 tháng tù (hưởng án treo) về tội “Giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Ở giai đoạn nặng mới dễ dàng nhận biết

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Công ty TNHH Luật Bảo Thiên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mặc dù chưa có con số thống kê về tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần trong các vụ án hình sự gần đây, song theo cảm quan của những người tiến hành và tham gia tố tụng thì bị can, bị cáo bị loại bệnh này đang có xu hướng tăng cao, nhất là trong các vụ trọng án về an ninh trật tự và ma túy.

Chỉ có gia đình, người thân mới dễ dàng ngăn chặn người tâm thần gây án mạng. 

Bởi lẽ quá trình giải quyết vụ án trong thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn nhận được những thông tin, dấu hiệu cho thấy bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần. Do đó mà thường xuyên phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định sức khỏe tâm thần.

Về chính sách pháp luật hình sự đối với người mắc bệnh tâm thần phạm tội, luật sư Tiến khẳng định, Nhà nước không đặt vấn đề xử lý bằng hình sự đối với người tâm thần phạm tội, trong tình trạng họ mất hoàn toàn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất là buộc họ chữa trị bệnh tật.

Trường hợp thứ hai là người mắc bệnh tâm thần phạm tội nhưng chỉ bị hạn chế một phần về nhận thức và điều khiển hành vi. Quá trình giải quyết vụ việc, vụ án, cơ quan chức năng vừa buộc những người phạm tội phải điều trị bệnh vừa áp dụng chế tài hình sự. Tuy nhiên, mức hình phạt áp dụng đối với những người này sẽ thấp hơn các trường hợp thông thường.

Giải thích về việc vì sao ngày càng nhiều người mắc bệnh tâm thần phạm tội và ai là người phải chịu trách nhiệm khi người tâm thần gây trọng án, luật sư Tiến nhìn nhận, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho sức khỏe tâm thần của một con người gặp vấn đề, trong đó áp lực cuộc sống là một trong những nguyên nhân rất quan trọng.

Hiện nay, pháp luật cũng không có quy định cụ thể, rõ ràng về việc ai phải chịu trách nhiệm khi người tâm thần gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác, ngoại trừ trường hợp đã được xác định là có nhược điểm về thể chất, tinh thần và có người đại diện. Và phần lớn trong số đó cũng chỉ chịu trách nhiệm về mặt dân sự và trong các giao dịch dân sự.

Ở góc độ y học, bác sĩ Ngô Hùng Lâm - Giám đốc Bệnh viện tâm thần Hà Nội cho biết, để khẳng định một người có bị bệnh tâm thần hay không thì người đó phải được khám và theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa tâm thần. Trong cuộc sống, nhận biết người mắc bệnh tâm thần là rất khó khăn và chỉ nhận biết dễ dàng khi bệnh ở giai đoạn nặng, còn ở các giai đoạn khởi phát hoặc ổn định rất khó phát hiện.

Theo bác sĩ Lâm, điều dễ thấy nhất ở người có biểu hiện rối loạn tâm thần là những thay đổi bất thường rõ rệt so với trước đây về tư duy (lời nói), cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người xung quanh. Những thay đổi ấy làm mất hoặc suy giảm khả năng học tập, làm việc các mối quan hệ xã hội... Tất cả những điều này thì chỉ có những người thân thiết nhất, những người trong gia đình của người bệnh mới dễ dàng nhận ra được.  

Chia sẻ thêm về những mối nguy tiểm ẩn đối với người mắc bệnh tâm thần, bác sĩ Lâm cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh nhân trầm cảm có tỷ lệ tự sát cao nhất và bệnh nhân nghiện chất (đặc biệt là ma tuý tổng hợp, rượu) thường có nhiều hành vi bạo lực hơn cả. Đặc biệt bệnh nhân bị rối loạn tâm thần (chẳng hạn tâm thần phân liệt) nếu sử dụng rượu, ma tuý thì nguy cơ bạo lực và tự sát rất cao.

“Các gia đình nếu có người thân có biểu hiện bị tâm thần nên sớm đưa họ các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi phát hiện bệnh và điều trị. Những người bệnh tiến triển tốt, sau khi chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ, tránh bệnh tái phát” - bác sĩ Ngô Hùng Lâm khuyến cáo.