Chân dung tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 9 lần trúng cử ghế Hạ viện, lại là Ngoại trưởng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản (2012-2017), tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (64 tuổi) liệu có chiến lược nào để thay đổi vòng quay khắc nghiệt khi liên tiếp những người tiền nhiệm từ chức vì không chịu nổi áp lực của “ghế nóng”?
Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là một quan chức có kinh nghiệm, chân thành và ôn hòa

Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida là một quan chức có kinh nghiệm, chân thành và ôn hòa

Ngày 4-10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Fumio Kishida làm Thủ tướng của nước này. Như nhiều chính trị gia khác của LDP, ông Kishida xuất thân từ một gia đình chính trị - cả cha và ông của ông đều từng là đại biểu quốc hội. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ trong nội các, trong đó có thành tích là Ngoại trưởng tại nhiệm lâu thứ hai ở Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2. Năm 2016, ông đã giúp tổ chức chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Đó là lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm đến thăm thành phố từng bị bom hạt nhân của Mỹ tàn phá.

Năm 1963, khi mới 6 tuổi, ông Kishida cùng gia đình chuyển đến Queens, New York (Mỹ). Thời đó, các bạn học cùng ông đến từ nhiều quốc gia, được dạy cho bài học đầu đời là “tôn trọng quốc kỳ và hát quốc ca cùng nhau vào buổi sáng”. Có lẽ, những cuộc gặp gỡ ban đầu với công lý và sự đa dạng này đã giúp hình thành các chính sách mà ông hy vọng sẽ dẫn dắt Nhật Bản, chẳng hạn như các chính sách kinh tế sẽ phân phối nhiều của cải hơn cho tầng lớp trung lưu hay thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ.

Có thể thấy, nhiều ý tưởng chính sách của ông Kishida là đường lối “kinh điển” của LDP: Quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, hạ thấp các rào cản thương mại và cứng rắn hơn để chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo này kịch liệt phản đối vũ khí hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, ở khía cạnh nhỏ, ông Kishida đã thể hiện sự sẵn sàng đoạn tuyệt với những người tiền nhiệm của mình.

Trong khi Thủ tướng Suga Yoshihide (vừa từ nhiệm sau 1 năm nhậm chức) tiếp tục bước chân của người tiền nhiệm Shinzo Abe bằng cách tuân theo hầu hết các định hướng chính sách đối nội và đối ngoại, ông Kishida có thể sẽ đi theo một con đường khác. Ông không chắc sẽ tuân theo chương trình nghị sự sửa đổi hiến pháp - một dự án quan trọng của ông Abe. Ủng hộ gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỷ đô la, ông sẽ rời bỏ “Abenomics” - một chiến lược tăng trưởng tập trung vào các khoản chi tiêu lớn, lãi suất thấp và cải cách thị trường lao động nhưng đã thất bại trong vực dậy nền kinh tế.

Ông Kishida ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy sự giàu có của các hộ gia đình và mang lại lợi ích của tăng trưởng kinh tế cho đông đảo người dân. Sở thích của ông là “tạo ra một chu kỳ tăng trưởng và phân phối lại của cải”. Trong cuốn sách năm 2020 có nhan đề “Tầm nhìn Kishida: Từ chia rẽ đến hợp tác”, ông đã viết về việc giảm chênh lệch thu nhập, tăng lương và mở rộng hỗ trợ của chính phủ cho giáo dục và nhà ở. Ông cam kết đưa ra một gói viện trợ kinh tế trị giá “hàng chục nghìn tỷ yên” (hàng trăm tỷ bảng Anh) cho những người gặp khó khăn trong đại dịch.

Ông Fumio Kishida là một chính trị gia ăn nói nhẹ nhàng, có phong cách lãnh đạo ưa thích là làm việc với các đồng nghiệp thông qua sự đồng thuận và tham vấn. Chính trị gia thế hệ thứ ba từ Hiroshima này được nhiều người coi là một sự lựa chọn an toàn - một quan chức có kinh nghiệm, chân thành và ôn hòa - mặc dù điều đó có thể khiến ông khó lập ra một lộ trình mới triệt để.

Ông Kishida là một chính trị gia ăn nói nhẹ nhàng, phong cách lãnh đạo ưa thích là làm việc với các đồng nghiệp thông qua sự đồng thuận và tham vấn. Chính trị gia thế hệ thứ ba từ Hiroshima này được nhiều người coi là một sự lựa chọn an toàn - một quan chức có kinh nghiệm, chân thành và ôn hòa - mặc dù điều đó có thể khiến ông khó lập ra một lộ trình mới triệt để. Tuy nhiên, ông Jeffrey Kingston - Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản) cho rằng, ông Kishida không có “sức hút” và tin rằng ông thiếu “sự hấp dẫn” trong giao tiếp với công chúng.

Kỹ năng lãnh đạo và hiệu suất của ông Kishida (cả trong đảng và chính phủ) sẽ được nhìn thấy ngay trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 sắp tới. Đối với Nhật Bản và thế giới, điều quan trọng là nền dân chủ lâu đời nhất và ổn định nhất của châu Á này có thể đóng vai trò dẫn dắt khu vực hay không. Liệu nhà lãnh đạo Kishida có vượt qua vòng quay khắc nghiệt các đời Thủ tướng Nhật Bản và liệu ông khéo léo dẫn dắt Nhật Bản vượt qua giai đoạn bất ổn tiếp theo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay không? Thời gian sẽ là câu trả lời.