Chặn đứng sa sút chất lượng giáo dục

ANTĐ - Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Giáo dục Đại học đã được đại diện Chính phủ trình bày trong ngày làm việc hôm nay (2-11). Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã trả lời phỏng vấn phóng viên ANTĐ những vấn đề  liên quan.

- PV: Thực trạng các trường đại học thành lập nhiều, dẫn đến “thừa thầy, thiếu thợ”, theo ông Luật Giáo dục Đại học có góp phần điều chỉnh được vấn đề này?

- Ông Đào Trọng Thi: Đây là vấn đề bức xúc và nổi cộm hiện nay. Luật phải tạo ra những quy định pháp lý khắc phục tình trạng này. Cụ thể, phải đưa ra những quy định chặt chẽ hơn và các chế tài cũng phải nghiêm khắc hơn, cũng như các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn về những điều kiện thành lập trường, cũng như các quy trình, thủ tục thành lập trường. Mục đích của chúng ta không hạn chế việc thành lập trường, mà là hạn chế thành lập những trường kém chất lượng. Do vậy, cần đặt trọng tâm vào chất lượng và những điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường được thành lập.

- PV: Giáo dục pháp luật cho học sinh - sinh viên hiện nay ra sao, khi tình trạng vi phạm pháp luật và phạm pháp hình sự trong giới trẻ đang gia tăng?

- Về nhận thức, chúng ta luôn đặt việc giáo dục pháp luật cho học sinh - sinh viên, thanh niên nói chung là vấn đề quan trọng. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo tôi, giáo dục pháp luật hiểu theo nghĩa để cho đông đảo thanh - thiếu niên nói riêng, mọi người dân nói chung, chúng ta cần phải nhấn mạnh việc giáo dục phổ cập những kiến thức pháp luật mọi công dân đều phải có. Tức là, vấn đề này phải nằm trong chương trình giáo dục công dân, chứ không nên chệch hướng thành giáo dục kiến thức pháp luật có tính chất chuyên ngành. Nếu làm như vậy chỉ là trang bị cho mọi công dân những kiến thức pháp luật chung, để thực hiện hoạt động nghề nghiệp của họ. Nếu nhấn mạnh quá đến các chương trình đào tạo chuyên ngành, lúc đó không còn là mục đích giáo dục phổ cập về kiến thức pháp luật cho công dân nữa. Theo tôi, dự luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải nhấn mạnh mục tiêu đó.