Chặn đứng "những con voi chui lọt lỗ kim"

ANTD.VN - Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV vừa bế mạc, tuy nhiên những chất vấn của các đại biểu - những người đại diện nói lên tiếng nói của nhân dân vẫn được dư luận nhắc tới, bởi sự thẳng thắn, quyết liệt và truy trách nhiệm tới cùng trong nhiều vấn đề “nóng”. 

Trong đó, vấn đề được quan tâm đặc biệt là các “siêu dự án” đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả, phải “đắp chiếu” gây thua lỗ. 

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các đại biểu đã đề nghị làm rõ nguyên nhân thua lỗ, yếu kém của những “siêu dự án”; đề nghị làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cũng như những kiến nghị để giải quyết tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Các đại biểu đã đặt câu hỏi: ngoài 5 dự án thua lỗ đã được liệt kê, còn bao nhiêu dự án nữa tiềm ẩn nguy cơ mất vốn? Liệu sau kỳ họp này, có xuất hiện thêm một bản danh sách các dự án thua lỗ nữa hay không?

Từ phía dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, 5 “siêu dự án” nghìn tỷ đang thua lỗ làm suy giảm lòng tin trong nhân dân cũng như tạo ra những tiền lệ xấu trong công tác quản lý. Có rất nhiều nguyên nhân được nhắc đến, trong đó phải kể đến là các doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan quản lý còn nhiều yếu kém trong công tác dự báo tình hình.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân đều nhận thức được rằng, “thương trường là chiến trường”, sự cạnh tranh, đào thải là hết sức khốc liệt, “một nước cờ” đi sai hoàn toàn có thể khiến doanh nghiệp sụp đổ, do đó thông tin về thị trường là điều được quan tâm hàng đầu. 

Khi chuyển sang kinh tế thị trường, không ít lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước chưa “bắt sóng” được với thời cuộc, chưa hiểu đầy đủ về kinh tế thị trường. Chính vì vậy, yếu tố thị trường dường như vẫn bị xem nhẹ. Từ đó tạo ra cách thức điều hành thiếu chuyên nghiệp, thậm chí nặng về ý chí chủ quan. 

Thực tế cũng cho thấy, cách quản lý, định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực vẫn chưa sát với thực tế, khâu phê duyệt dự án, giám sát dự án còn bị buông lỏng. Các chuyên gia cho rằng, chính việc buông lỏng phê duyệt dẫn đến dự án không đạt được mục đích, gây thua lỗ.

Trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát nhiều lúc vẫn thờ ơ, chưa thực hiện đúng quy trình. Và cũng không loại trừ khả năng có hiện tượng thoái hóa biến chất ở một bộ phận đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý, giám sát… 

Ý kiến từ phía các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận về những dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ đã được người đứng đầu Bộ Công Thương nghiêm túc tiếp thu, đồng thời chỉ ra những giải pháp, hướng khắc phục. Đáng chú ý, giải pháp cho phá sản đối với những doanh nghiệp nghìn tỷ thua lỗ cũng đã được tính đến.

Cách làm này dù rất “đau đớn” nhưng là điều cần thiết để cảnh báo những doanh nghiệp khác và phần nào cho thấy yếu tố thị trường có tính chất quyết định ra sao. Giải pháp này cũng phù hợp với quan điểm thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ”.

“Chốt” lại vấn đề các dự án nghìn tỷ thua lỗ, Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm. Quốc hội cũng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này. Các quyết sách này được người dân, dư luận chờ đợi với mong muốn chặn đứng tình trạng “những con voi chui lọt lỗ kim”.