Chấn động và dư chấn

ANTĐ - Kinh khủng thật! Chỉ trong vòng 4 ngày đêm ở huyện Bắc Trà My, nơi có đập thủy điện Sông Tranh 2 chứa 730 triệu mét khối nước đã xảy ra gần 10 trận động đất mạnh 4,2 độ richter.

- Tôi nhớ hình như ở Hà Nội cũng có một đôi lần dư chấn nhè nhẹ, chỉ những người sống trên cao ốc mới cảm nhận thấy. Thế mà đã hoảng loạn chạy túa xuống đất.

- Chưa phải động đất đến mức như bên Nhật, nhưng người dân ở dưới chân đập luôn sống trong tâm trạng hoảng hốt. Động đất ngày càng mạnh, xảy ra như cơm bữa.

- Tôi đọc trên báo có chuyên gia vật lý địa cầu giải thích, đó không phải là động đất tự nhiên mà là động đất kích thích. Tức là do tích nước vào hồ, lượng nước càng nhiều thì động đất càng mạnh. Dự báo sẽ còn động đất tới mức cực đại, được gọi là “kích động chính”.

- Có nghĩa động đất không phải tại đất “rung động” mà là tại con người tích quá nhiều nước làm thủy điện đã kích thích khiến đất… nổi sóng. Có nghĩa là hơn 20 nghìn người dân ở dưới chân đập cứ yên tâm sống chung với động đất.

- Không hẳn thế! Trung tâm Dự báo động đất và cảnh báo sóng thần cũng chưa thể đưa ra kết luận động đất do kích thích hồ chứa hay do hoạt động của kiến tạo đứt gãy.

- Khoa học mà không nắm chắc nguyên nhân động đất do đất hay do người gây ra thì hàng vạn người dân ăn ngon, ngủ yên sao được.

- Một nhà khoa học thừa nhận rằng, nếu không có máy siêu âm, máy chụp thì bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh bằng biểu hiện lâm sàng, bằng kinh nghiệm. Còn nhà chuyên môn không có thiết bị quan trắc thì không thể tìm nguyên nhân động đất được.

- Nói thế này cho nhanh, dò tìm nguyên nhân động đất đã khó nói gì dò tìm những vụ lũng đoạn, tham nhũng động trời. Dư chấn động đất rồi sẽ yên dần, nhưng dư chấn kia vẫn còn chấn động lòng người.