Chẩn đoán sai bệnh sẽ bị xử lý như thế nào?

ANTD.VN - Hỏi: Vừa qua, tôi đến một phòng khám nam khoa tư nhân khám bệnh. Tại đây, bác sĩ kết luận tôi bị mắc một số bệnh nặng và phải điều trị theo lộ trình với tổng chi phí hơn 20 triệu đồng. Sau khi điều trị hết liệu trình, tôi thấy không khỏi nên đi khám tại bệnh viện công và được biết tôi chỉ bị bệnh nhẹ, điều trị rất đơng giản và không mấy tốn kém. Như vậy có phải phòng khám tư nhân đã có hành vi lừa đảo và nếu đúng thì bị xử lý như thế nào? Trần Đức Tuấn (Long Biên, Hà Nội)
 

Luật sư Trần Hoàng Hà (Công ty Luật TNHH Quang Vượng;  Địa chỉ: Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Trả lời: 

Khi cảm thấy khúc mắc, sai phạm về chất lượng, chuyên môn khám chữa bệnh của cơ sở y tế, bạn có thể làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng quản lý trực tiếp cơ sở y tế đó hoặc cơ quan công an. Tùy vào từng mức độ vi phạm và hậu quả gây ra mà cơ sở y tế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo lỗi vi phạm.

Thứ nhất, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh là 200 triệu đồng. Khoản 4 Điều 4 Nghị định 176/2013/NĐCP quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược mỹ phẩm và trang thiết bị Y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Thứ hai, nếu có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tùy vào hậu quả gây ra:

Quy định tại điều 315 - BLHS hiện hành (tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác), người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61-121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Như vậy, tùy vào từng lỗi vi phạm và hậu quả gây ra từ việc khám chữa bệnh không đúng mà phòng khám đa khoa tư nhân có thể bị xử lý ở các mức độ khác nhau.