Chấn chỉnh ngay tình trạng "thi chống trượt" Chứng chỉ tiếng Anh "khung châu Âu"

ANTD.VN - Trước tình trạng bát nháo trong thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh chuẩn khung châu Âu như Báo ANTĐ đã nêu, lực lượng chức năng cần vào cuộc tích cực hơn mới có thể chấn chỉnh hoạt động này. 

Trên thực tế không phải người nào cũng có thể học và học tốt ngoại ngữ. Nhiều người thuộc thế hệ 6X, 7X giờ đây khi được bổ nhiệm hoặc thi cao học, nghiên cứu sinh đòi hỏi phải có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh B1, theo chuẩn khung tham chiếu châu Âu đã cho rằng, thực sự khó khăn khi ôn và thi lấy chứng chỉ. Nhưng yêu cầu về bằng cấp là quy định chung, không loại trừ ai và vì thế họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền cao gấp nhiều lần so với quy định, mong kiếm được chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ. 

Chấn chỉnh ngay tình trạng "thi chống trượt" Chứng chỉ tiếng Anh "khung châu Âu" ảnh 1Tiếng Anh thật sự cần thiết trong giao tiếp, học tập nghiên cứu chứ không phải chỉ là chứng chỉ cho đẹp hồ sơ (Ảnh minh họa)

Vì sao chứng chỉ giả có đất sống?

Xem lại lời khai của nhiều người trong số 140 người tham gia thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ do nhóm Nguyễn Văn Thuật (SN 1972), trú tại phố Lương Định Của, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Đông Dương và Nguyễn Thị Hạnh (SN 1983), trú tại phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tổ chức mới thấy rằng, chủ yếu trình độ tiếng Anh của họ không thể đạt yêu cầu đề ra nên khi nhóm Hạnh, Thuật quảng cáo đảm bảo đỗ 95%, họ đã không ngần ngại tham gia. 

Nhiều người vốn tiếng Anh chỉ đủ ở mức nói được tên, tuổi, ngày, tháng, năm sinh, nhưng do yêu cầu công việc hoặc nhu cầu thi cao học lại cần có chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn khung châu Âu. Họ đã tìm đến các trung tâm, cơ sở giáo dục quảng cáo “đảm bảo đỗ” như một giải pháp an toàn. 

Chị Nguyễn V.A, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Sư phạm nhà trẻ mẫu giáo, chị đã chuyển công tác qua nhiều trường và hiện đang là giáo viên của một trường mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm 2017, chị V. A được Ban Giám hiệu nhà trường thông báo xét thăng hạng giáo viên, yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học cơ bản. Qua một đồng nghiệp, chị V. A biết sẽ có một cuộc thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ A1, A2, B1, B2 theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu... do trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức tại một trường thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. 

Điều kiện dự thi ở đây khá đơn giản, thí sinh không phải học, chỉ phải ôn thi 1 ngày tại trung tâm, sau đó sẽ tổ chức thi ngay và đảm bảo đỗ. Chị V.A cùng 12 người bạn khác nộp 4 triệu đồng để đi thi. 

Đây có lẽ cũng là điểm chung của hầu hết những thí sinh muốn cấp nhanh chứng chỉ ngoại ngữ. Đa phần trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, vì thế họ tìm đến những trung tâm có khả năng “chống trượt”... Chỉ đến khi lực lượng công an có mặt, thông báo kỳ thi này không phải do trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức, chị V. A và 139 người khác mới vỡ lẽ đã bị lừa. 

Lại câu chuyện bằng cấp - thực chất

Không thể phủ nhận những ưu điểm của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-9-2013 (thường được gọi là Đề án giáo dục ngoại ngữ 2020). Theo đó, mục tiêu hướng đến là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Mục tiêu và quy định là vậy nhưng điều này có nơi, có lúc lại biến thành cuộc đua bằng cấp. Chỉ huy Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền “săn” chứng chỉ ngoại ngữ là do nhiều đơn vị còn đặt nặng vấn đề bằng cấp, chưa coi trọng đánh giá thực chất năng lực. Nhiều đơn vị quá máy móc khi yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ. Điển hình như chị V. A, giáo viên mầm non, nhu cầu giao tiếp tiếng Anh của chị không lớn, nhưng khi bổ nhiệm lại cần có chứng chỉ nên chị V.A đành chấp nhận phương án “thi tại cơ sở có chống trượt”. 

Trong khi đó, các quy định của pháp luật liên quan việc xử lý hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của lực lượng công an mới chỉ xử lý hình sự đối với các trường hợp có hành vi làm văn bằng, chứng chỉ giả. Còn người mua về để sử dụng dù trong Luật Hình sự có quy định, nhưng chưa có ai bị xử lý vì tội sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, chủ yếu mới dừng lại ở hình thức xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ nên chưa đủ sức răn đe.

Trước thực tế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các học viện, trường đại học và cơ sở giáo dục trong cả nước quản lý chặt chẽ công tác cấp phát văn bằng, chứng chỉ một cách khoa học; công bố công khai kết quả học tập; bằng cấp trên trang web của cơ sở đào tạo, phục vụ hậu kiểm của các đơn vị tuyển dụng được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực Internet, kinh doanh tài khoản trực tuyến, mạng viễn thông rà soát, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi sản xuất, mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, đảm bảo đủ sức răn đe với các đối tượng. 

Theo chỉ huy Phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan công an thì cần có sự đồng hành của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lực lượng này cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các kỳ thi cấp chứng chỉ, đảm bảo nghiêm túc, đúng chất lượng; kiến nghị đề xuất dừng tổ chức cấp chứng chỉ đối với các trung tâm, cơ sở giáo dục liên kết với 10 trường được phép cấp giấy chứng nhận nếu phát hiện sai phạm.