Chăm sóc người bị thủy đậu đúng cách

ANTD.VN - Thời điểm đông xuân, Hà Nội bắt đầu ghi nhận những trường hợp mắc thủy đậu đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, E, Việt Nam - Cu Ba... Không ít người đã phải nhập viện vì bệnh nặng, trong đó có cả trẻ nhỏ. 

Cho trẻ tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh thủy đậu

Bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là thời điểm thủy đậu vào mùa và có thể bùng phát thành dịch. Khoảng thời gian này năm ngoái, các bệnh viện như: Việt Nam - Cu Ba, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai… đều ghi nhận số lượng lớn các bệnh nhân nhập viện, trong đó có không ít trường hợp là trẻ nhỏ. Đặc biệt, có những ngày, khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai đón 3-4 bệnh nhân, có cả những bệnh nhi sơ sinh mấy tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ.

Năm nay, thủy đậu chưa bùng phát thành dịch, song cũng đã có những ca bệnh đầu tiên, nên nếu chúng ta lơ là cảnh giác, bệnh có thể biến chứng nếu như không biết cách chăm sóc đúng cách.

Thời gian qua, truyền thông thông nước Anh đưa tin về một bé trai 3 tuổi đã tử vong vì nhiễm trùng huyết do thủy đậu gây ra. Lúc đầu, mẹ của cậu bé cho rằng con mình bị hội chứng đột tử, nhưng sau đó, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận: cậu bé tử vong do nhiễm một loại khuẩn và vi khuẩn này tấn công cơ thể qua vết xước của nốt thủy đậu khi vỡ. Kết luận này khiến người mẹ vô cùng bàng hoàng, bởi con trai cô không có biểu hiện bất thường gì trước đó. 

Ở Việt Nam, căn bệnh này cũng khiến nhiều người gặp  biến chứng nguy hiểm như: bội nhiễm vết phỏng, viêm phổi, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong. Thế nên, để hạn chế những rủi ro khi mắc bệnh, đặc biệt là với trẻ nhỏ, chúng ta cần lưu ý đặc biệt về chăm sóc.

Những thực phẩm cần tránh

Thủy đậu vốn là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan khi tiếp xúc với dịch từ nốt phỏng nên cha mẹ cần cách ly trẻ. Việc này vừa giảm lây lan, vừa tránh bội nhiễm. Đối với người bệnh, chúng ta nên chú ý bổ sung thêm vitamin C để tăng cường đề kháng. 

Nhiều người cho rằng khi bị thủy đậu, không nên tắm vì như thế sẽ khiến các nốt phỏng lan nhiều hơn. Thế nhưng, thực tế thì không hẳn vậy. Nếu không tắm rửa sạch sẽ, vi khuẩn sẽ tích tụ trên bề mặt da, gây ra bội nhiễm khi vết phỏng bị vỡ. Khi đó, nguy cơ nhiễm trùng sẽ cao hơn. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn nên vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, mặc quần áo thoáng mát, tránh quần áo bó vì có thể làm vết phỏng bị vỡ, gây nguy hiểm.

Ngoài các lưu ý trên, bạn cũng cần đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Theo PGS.TS. Phùng Hòa Bình, Trưởng khoa Dược liệu cổ truyền, Đại học Dược Hà Nội, chúng ta cần tránh các thức ăn tanh như: tôm, cua, cá… vì chúng mang tính dị nguyên cao, có thể gây dị ứng, ngứa ngáy. Các thức ăn cay nóng cũng cần hạn chế vì dễ gây kích thích, đổ mồ hôi làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn.

PGS.TS. Phùng Hòa Bình lưu ý, khi bị thủy đậu, chúng ta nên ăn các loại cháo đậu (đậu xanh, đỏ đen) vì lành và mát. Bột sắn cũng rất tốt trong trường hợp này. Ngoài ra, chế độ ăn hàng ngày vẫn phải đảm bảo giàu năng lượng, đủ dinh dưỡng để cơ thể có đủ sức  đề kháng.

Thủy đậu là bệnh dễ chữa, nhưng cũng dễ bùng phát và để lại nhiều biến chứng nếu chúng ta chủ quan. Chính vì thế, khi mắc bệnh cần chăm sóc đúng cách, dinh dưỡng đầy đủ. 

“Khi bị thủy đậu, chúng ta cần tránh các thức ăn tanh như: tôm, cua, cá… vì chúng mang tính dị nguyên cao, có thể gây dị ứng, ngứa ngáy. Các thức ăn cay nóng cũng cần hạn chế vì dễ gây kích thích, đổ mồ hôi làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn. Nên ăn các loại cháo đậu (đậu xanh, đỏ đen) vì lành và mát. Bột sắn cũng rất tốt trong trường hợp này. Ngoài ra, chế độ ăn hàng ngày vẫn phải đảm bảo giàu năng lượng, đủ dinh dưỡng để cơ thể có đủ sức đề kháng”.

PGS.TS. Phùng Hòa Bình (Trưởng khoa Dược liệu cổ truyền, Đại học Dược Hà Nội)