Chăm quá hóa… bệnh

ANTĐ - Viện dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ béo phì ở trẻ em đã tăng gấp 9 lần trong 10 năm qua, vượt ngưỡng 12%. Là một bà mẹ trẻ, đọc thông tin này, chị Nguyễn Thị Chinh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) giật mình…

- Phải chăng chị còn cảm thấy hồ nghi vào con số trên?

- Không phải tôi hoài nghi mà chỉ giật mình, vì chợt nhận ra lâu nay mình chưa thật sự để ý đến vấn đề này. Số trẻ béo phì tăng nhanh quá, nhất là ở trẻ em thành thị. Trước thông tin một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng có tới 60% trẻ thừa cân béo phì bắt đầu có rối loạn mỡ máu, những bậc phụ huynh như tôi rất lo lắng. Cứ tưởng cuộc sống khấm khá lên, có điều kiện thì cố gắng bồi bổ cho con cái được ăn uống tốt nhất mà nhiều khi chúng ta đã quên mất mặt trái của nó. 

- Theo chị thì chuyện bố mẹ không quan tâm đến dinh dưỡng của con cái là nguyên nhân chính khiến trẻ béo phì gia tăng nhanh?

- Nói thật, ngay như gia đình tôi, do công việc 2 vợ chồng đều quá bận rộn nên nhiều khi chuyện ăn uống của con cái phó mặc hoàn toàn cho người giúp việc. Nhiều gia đình bạn bè tôi, dù có con rất to béo, mập mạp hơn trẻ bình thường nhưng bố mẹ vẫn ép, “nhồi nhét” cho ăn uống toàn chất bổ. Cũng có người nhận biết được con mình đã chạm ngưỡng béo phì nhưng “tặc lưỡi” cho rằng đó là điều bình thường, tự biện luận rằng trẻ con hiếu động nên lúc này hơi béo một chút rồi có khi lại sụt cân ngay. Cứ thế, trẻ béo phì thành bệnh lúc nào không hay.

- Để thay đổi được điều này, liệu có dễ dàng?

- Trẻ béo phì tăng chóng mặt còn có nguyên nhân do trẻ ngày càng ít vận động tay chân, ít thể dục thể thao hơn vì thiếu sân chơi, vì áp lực học hành quá nhiều. Sẽ không dễ chút nào nếu các bậc phụ huynh không thật sự nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, không dành thời gian đúng mực hơn để quan tâm đến chuyện ăn uống, vận động của con cái. Có lẽ đây còn là vấn đề liên quan đến giáo dục, đến chiến lược dinh dưỡng quốc gia.