Chậm, hủy chuyến bay: Vẫn “né” trách nhiệm

ANTĐ - Tình trạng chậm, hủy chuyến bay dù đã được giám sát, đôn đốc nhưng sự cải thiện không đáng kể. Cục Hàng không cho biết, sẽ có quy định bắt buộc các hãng hàng không phải bồi thường cho khách hàng bị chậm chuyến kéo dài. Trong khi đó, tình trạng hủy chuyến vì lý do thương mại vẫn có sự vòng vo trách nhiệm.

Cần làm rõ, có phải hủy chuyến để dồn chuyến vì lý do thương mại

Sẽ xem xét việc bồi thường

Trước tình trạng chậm, hủy chuyến bay tăng vọt (gần 24%) trong 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không vào cuộc, giám sát chặt chẽ các hãng tại 3 sân bay lớn Nội Bài, TP. HCM và Đà Nẵng. Chỉ trong tháng 7, Cục Hàng không đã 2 lần tổ chức giám sát tại 3 sân bay lớn, nhưng theo báo cáo của các Cảng vụ Hàng không, tình hình ít được cải thiện.

Thống kê giám sát của Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho thấy, từ ngày 13 đến 29-7 riêng tại sân bay Nội Bài, số chuyến bay bị chậm lên tới 223 chuyến. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, cũng trong khoảng thời gian trên, tính chung tại các sân bay thuộc Cảng vụ quản lý có tới 374 chuyến bay bị chậm vì tàu bay về muộn. Đây là nguyên nhân chính khiến tình trạng chậm dây chuyền xảy ra. Tình trạng thời tiết không ổn định tại nhiều sân bay như Điện Biên, Liên Khương… cũng khiến nhiều chuyến bay phải hủy hoặc chậm. Thêm vào đó thời gian quay đầu tàu bay, mặc dù các hãng hàng không đều lập kế hoạch, đăng ký thời gian là 30 phút, nhưng qua giám sát, Cảng vụ Hàng không miền Bắc khẳng định, không có chuyến bay nào đạt thời gian trên. “Các hãng hàng không đề xuất thời gian quay đầu bay là 30 phút nhưng chưa bao giờ đạt được. Nhanh nhất là 50 phút, còn lại thời gian quay đầu thường gấp đôi so với quy định”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định. 

Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho rằng, các hãng hàng không phải lập kế hoạch bay phù hợp với năng lực khai thác của mình. “Tăng tình trạng chậm, hủy chuyến cũng một phần do sự phát triển của ngành hàng không quá nóng trong thời gian qua. Tần suất chuyến bay khai thác tăng lên dày đặc, nhưng lượng tàu bay cũng như đội ngũ nhân lực lại không được chú trọng phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ. 

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không cho hay, Cục đang tính  nghiên cứu áp dụng quy định bồi thường đối với việc chậm chuyến. Hiện tại mới chỉ áp dụng việc bồi thường ứng trước không hoàn lại với các chuyến bay bị hủy. Nhưng, với thời gian hoãn chuyến kéo dài, việc bồi thường cho hành khách là cần thiết.

Tuy vậy, theo lãnh đạo Cục Hàng không, việc bồi thường khi chậm chuyến sẽ phải tính toán để vừa mang lại quyền lợi cho hành khách vừa không gây sức ép quá lớn cho các hãng: “Cục Hàng không sẽ làm việc thêm với các hãng hàng không trong nước cũng như các hãng quốc tế có đường bay tại Việt Nam theo quy định, để nghiên cứu tính toán mức áp dụng, khung thời gian chậm chuyến có thể được hưởng đền bù”.

Chậm chuyến vì lý do thương mại là gì?

Một vấn đề nóng nữa dư luận đang quan tâm, có hay không việc hủy chuyến để dồn chuyến vì lý do thương mại, lợi nhuận. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đặt vấn đề tại một cuộc họp gần đây. “Có hay không tình trạng dồn chuyến. Máy bay không chạy vòng vòng bắt khách được như xe buýt thì hủy chuyến rồi dồn chuyến”. Tuy vậy, đến nay, dù qua giám sát của các Cảng vụ cũng như Cục Hàng không đều cho thấy, có việc hủy chuyến bay vì lý do thương mại, nhưng lý do thương mại là gì thì cả Cục Hàng không cũng như các hãng còn chưa nói rõ với khách hàng.

Thống kê giám sát của Cảng vụ hàng không miền Bắc cho thấy, trong giai đoạn từ ngày 13 đến 29-7 có tới 54 chuyến bay bị hủy. Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, một số chuyến bay vì hành khách ít, không đảm bảo về mặt thương mại nên hãng hàng không đã hủy chuyến, dồn, chuyển khách sang các chuyến bay khác cùng chặng. Trong khoảng thời gian trên có 10 chuyến bay bị hủy vì lý do thương mại. Hay như trong ngày 30-7, cũng có tới 11 chuyến bay bị hủy, trong đó 6 chuyến bị hủy vì lý do thương mại.

Trước con số thống kê của Cảng  vụ hàng không cũng như Cục Hàng không, đại diện Vietnam Airlines phản bác, hãng không có chuyến bay nào hủy vì lý do thương mại. Nhưng, Cảng vụ hàng không miền Bắc khẳng định, con số thống kê mà Cảng vụ lấy là từ các hãng báo cáo lên. Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, khi nhận được báo cáo hủy chuyến vì lý do thương mại, chúng tôi đã đi xác minh lại và cho thấy, việc báo cáo nguyên nhân là chưa đúng!

Đúng như Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, các hãng cũng như cơ quan quản lý còn không nhìn nhận vào thực tế, còn “né” thì sẽ khó khắc phục được tình trạng này.